Thứ Tư, 4 tháng 4, 2012

Nội dung phiên toa khởi tố

Tóm tắt bản tuyên án



Căn cứ khởi tố của kết luận điều tra và cáo trạng là khởi tố theo yêu cầu người bị bại điều … quy định tại .. Nhưng bản án lại khởi tố theo điều tra của cơ quan điều tra.
Cả 3 cấp đều không đề cập đến kết quả điều tra về người bị tố cáo…
Trong kết luận điều tra thì nói rằng cả ba bị cao đều không biết gì về ôngTrường , nhưng căn cứ buộc tội lại nói rằng biết ông Trường là bí thư huyện uỷ Từ Liêm.
Mặc dù quá trình tranh tụng tại phiên toà là cơ sở để kết tội, nhưng cơ sở buộc bội lại hoàn toàn dựa vào các lời khai ko thống nhất thiếu khách quan, không có đối chất, mâu thuẫn của những người liên quan.
Sử dụng lá “thư xin lỗi” được ký ngày 12 tháng 5 như 1 chứng cứ để buộc tội, mà không xác minh điều tra làm rõ nguồn gốc của lá đơn, thời điểm ký, ai ký, người chứng kiến: thời điểm ký là ngày 12 tháng 5 còn người gửi là cô Loan, nhưng trong thời điểm này cô Loan hiện đang bị tạm giữ tại cơ quan công an huyên Từ liêm ngày 12 – 13, và 4 người tham gia ký đã bị tạm giam từ ngày 13/5 đến ngày  23/5 mà không thể gặp cô Loan. Đơn được gửi đi ngày 18, đến cơ quan công an ngày 20/5.
Không làm rõ lời khai của ông Tân, liên quan đến 3 ngành nội chính và là đơn ngày 9/11 mà ông Tân viêt thay ông Trường không có trong hồ sơ vụ án.
Cơ quan công an nhận sai sót liên quan đến việc khám văn phòng công chứng MĐ và văn phòng Luật sư, không có biên bản lời khai của ông Trường để chứng minh mình bị vu khống, và những tổn thất mà mình phải chịu
Coi việc chuyển đơn khiếu nại cho những người dân là hành vi phát tán, mà không viện đãn căn cứ để chứng minh cho quan điểm của mình là cấu thành tội vu khống. Mặc dù trước đấy cả cơ quan điều tra và viện kiểm sát đều coi việc gửi đơn đến các cơ quan là hianh phát tán….
Coi ông Trường là người thi hành công vụ vì các bị cáo xác định ông là bí thư huyện uỷ, người đứng đầu tại địa phương, mà không viện dẫn được cơ sở pháp lý quy địnhBí thư huyện uỷ là chức danh thuộc nhóm người thi hành công vụ

Thứ Ba, 27 tháng 3, 2012

Hoãn xử vụ vu khống Bí thư Từ Liêm


Cần làm rõ nguồn gốc lá đơn tố cáo khẩn cấp vu khống bí thư huyện Từ Liêm, HĐXX đã hoãn xử để triệu tập các nhân chứng.
>Nguyên công chứng viên, luật sư sắp hầu tòa lần hai
>Đi tù vì vu khống Bí thư huyện ủy 'bảo kê cướp đất'

Ngày 14/3, TAND TP Hà Nội mở phiên phúc thẩm vụ án "vu khống Bí thư huyện ủy Từ Liêm" Lê Xuân Trường, theo đơn kháng cáo của ông Ngô Quang Anh (41 tuổi, nguyên công chứng viên) và ông Hoàng Đình Trọng (41 tuổi, nguyên trưởng phòng luật sư).
Phiên xử mở đầu với phần thẩm vấn về việc soạn thảo đơn kêu cứu và đơn tố cáo khẩn cấp Bí thư huyện Từ Liêm "bảo kê" nhóm xây dựng nhà trái phép ở đường Lê Đức Thọ (Từ Liêm), mà ông Quang Anh được xác định là khởi xướng, còn ông Trọng là người chỉnh sửa những từ ngữ dung tục, thiếu văn hóa.
Tuy nhiên, ông Quang Anh chỉ thừa nhận soạn thảo đơn kêu cứu chứ không tham gia viết đơn tố cáo: "Một năm sau khi sự việc kêu cứu không có kết quả, tôi mới biết đến lá đơn tố cáo". Trong khi đó ông Trọng cũng trình bày: "Tôi chỉ biết lấy đơn trong email nhưng không rõ có phải Quang Anh soạn thảo hay không".
Cựu luật sư này nhấn mạnh: "Tôi không biết việc bảo kê, không biết người tố cáo, không soạn đơn và ký vào đơn, nên không thể phạm tội vu khống". Nguyên công chứng viên Quang Anh cho rằng, chính những người ký mới phải chịu trách nhiệm về nội dung đơn tố cáo.
Nguyên trưởng văn phòng công chứng Quang Anh và nguyên trưởng văn phòng luật sư Trọng (từ trái qua) tại phiên tòa chiều nay. Ảnh: Việt Dũng.
Liên quan đến lá thư xin lỗi ông Bí thư huyện ủy, cả ông Trọng và ông Quang Anh đều khẳng định, họ ký vào bức thư xin lỗi tại nhà tạm giữ của công an huyện, với sự chứng kiến của đại diện Viện KSND huyện. "Chúng tôi không soạn bức thư xin lỗi đó mà do một điều tra viên đưa cho", hai bị cáo giữ nguyên lời khai.
Luật sư Hoàng Ngọc Biên bào chữa cho ông Quang Anh phân tích, sau lá đơn tố cáo khẩn cấp của 13 hộ dân, cơ quan chức năng đã cưỡng chế ngôi nhà xây trái phép. Do vậy, cần làm rõ có việc đứng bảo kê đằng sau sự việc này không?
Còn luật sư Hoàng Huy Được "thấy khó hiểu, từ giai đoạn điều tra đến khi xét xử, bị hại đều không có mặt" trong khi vụ án được khởi tố do yêu cầu của bị hại.
Dù các luật sư đưa ra nhiều chứng cứ, mổ xẻ các chi tiết, nhưng đại diện cơ quan công tố chỉ "ghi nhận" tất cả ý kiến của các luật sư và giữ nguyên quan điểm truy tố.
Chiều 21/3, sau một tuần nghị án, HĐXX bất ngờ quay lại xét hỏi ai đã soạn thảo đơn tố cáo khẩn cấp. Chủ tọa phát biểu, cần triệu tập các nhân chứng để làm rõ mâu thuẫn lời khai về việc soạn thảo đơn tố cáo nên đã hoãn phiên xử.
Khoảng tháng 3/2011, một nhóm người chở container đặt ở khu đất trống rộng gần 200 m2 nằm trong khuôn viên đã được quy hoạch làm vườn hoa ở giáp mặt đường Lê Đức Thọ (xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm). Sau đó, nhóm người này còn xây dựng ngôi nhà cấp 4 tại đây để sinh hoạt.
Án sơ thẩm quy kết ông Quang Anh soạn thảo đơn kêu cứu cho những người dân bị ảnh hưởng và đơn vu khống Bí thư huyện ủy bảo kê cho việc xây dựng trái phép này, còn ông Trọng bị cho là tư vấn và sửa bớt những câu chữ dung tục, gửi đi các cấp, ngành.
Sau một năm, cơ quan chức năng của huyện Từ Liêm vẫn chưa tìm ra nhóm người xây dựng trái phép ở khu đất trên.
Việt Dũng

Thứ Năm, 22 tháng 3, 2012

Hoãn để triệu tập nhân chứng

Chiều ngày 21/3 tại TAND TP. Hà Nội, phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án “vu khống” Bí thư huyện ủy Từ Liêm bảo kê 'xã hội đen' lấn chiếm đất công, xây nhà trái phép trên khu đất giáp mặt đường Lê Đức Thọ (huyện Từ Liêm, Hà Nội) tiếp tục diễn ra.
Tuy nhiên, khác với thông báo của HĐXX hôm 14/3, phiên tòa chưa tuyên án mà trở lại phần xét hỏi các bị cáo.
Vụ án “vu khống” Bí thư Từ Liêm: Hoãn để triệu tập nhân chứng
Ngôi nhà xây dựng trái phép trên khu đất đã được phá dỡ
Theo quan sát của CTVbáo điện tử Infonet, tại phần xét hỏi lần này, HĐXX đã tạo điều kiện cho bị cáo Ngô Quang Anh (nguyên Trưởng Văn phòng Công chứng Mỹ Đình), bị cáo Hoàng Đình Trọng (nguyên Trưởng Văn phòng Luật sư PGVN) trình bày nỗi oan của mình trong việc giúp 13 công dân trú tại thôn Phú Mỹ, xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm soạn thảo, chỉnh sửa lá đơn kêu cứu khẩn cấp gửi đến các cơ quan liên quan tố cáo ông Lê Xuân Trường, Bí thư huyện ủy Từ Liêm “đứng đằng sau” nhóm xã hội đen ngang nhiên cướp đất công, xây nhà trái phép. Bị cáo là những người hiểu biết pháp luật, được phép tham gia hoạt động tư vấn pháp luật, soạn thảo các văn bản không trái pháp luật cho công dân (trong đó có việc soạn thảo đơn thư), do vậy, theo nội dung đơn kháng cáo, việc khởi tố, truy tố các bị cáo là oan sai và vi phạm Luật Khiếu nại, tố cáo và Luật Phòng chống tham nhũng.
Sau phần xét hỏi và tranh luận của phiên tòa diễn ra ngày 14/3, nhiều cơ quan báo chí đã phản ánh sự việc, trong đó có nêu đề nghị của các bị cáo và luật sư là cần phải triệu tập ông Lê Xuân Trường, Bí thư huyện ủy Từ Liêm với tư cách là người bị hại đến phiên tòa; triệu tâp các điều tra viên liên quan đến vụ án để làm rõ hành vi ép cung, mớm cung, dụ cung, viết sẵn “thư xin lỗi” có nội dung nhận tội để ép các bị cáo ký trong thời gian bị tạm giam theo nội dung phản cung. Các luật sư cũng đề nghị HĐXX yêu cầu cơ quan điều tra Công an huyện Từ Liêm điều tra, xác minh “nhóm xã hội đen” ngang nhiên xây nhà trái phép trên đất lấn chiếm nêu trong đơn kêu cứu khẩn cấp của vụ án này là ai? Có mối quan hệ gì với Bí thư huyện ủy Lê Xuân Trường hay không? Đây là những nội dung quan trọng, then chốt của vụ án mà HĐXX cấp sở thẩm đã bỏ qua.
Sau khi nghe trình bày của các bị cáo, HĐXX đã quyết định hoãn phiên tòa để xét xử lại theo hướng sẽ triệu tập những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án. Tuy nhiên, HĐXX sẽ triệu tập những ai? Phiên tòa sẽ được mở lại vào ngày nào, vẫn chưa được công bố.
Trần Cường

Thứ Năm, 15 tháng 3, 2012

Tòa phúc thẩm nghị án một tuần!

(PL&XH) - Tại phiên phúc thẩm ngày hôm qua 14-3, bị hại tiếp tục vắng mặt. Các luật sư đã đề nghị hoãn xử để triệu tập bị hại nhưng đại diện VKSND TP Hà Nội cho rằng, các bị cáo bị truy tố ở khoản 2 Điều 112 BLHS nên không cần thiết…

Không soạn đơn, không ký… không nên tội?

Ngô Quang Anh, Trưởng Văn phòng công chứng Mỹ Đình; Hoàng Đình Trọng, Trưởng Văn phòng luật sư PGVN và Vũ Tiến Phùng, trú tại xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm, Hà Nội, bị cáo buộc đã "đặt điều" đối với Bí thư huyện ủy Từ Liêm; phiên sơ thẩm ngày 16, 17 và 21-11-2011 của TAND huyện Từ Liêm tuyên phạt các bị cáo các mức án 6 tháng tù, và 15 tháng tù về tội "Vu khống". Về các sai phạm của cơ quan tố tụng huyện Từ Liêm trong quá trình điều tra vụ án này, tòa cấp sơ thẩm nhận định, Công an huyện Từ Liêm cần rút kinh nghiệm trong việc ban hành văn bản tố tụng, áp dụng các quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự.

Quang Anh, Trọng, kêu oan và kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Phiên phúc thẩm của TAND TP Hà Nội được mở vào hôm qua. Tại tòa, Quang Anh trình bày, hồ sơ vụ án có 2 đơn (đơn kêu cứu và đơn tố cáo khẩn cấp - có nội dung "tố" ông bí thư) và bị cáo chỉ biết lá đơn kêu cứu. Đơn này phản ánh việc vi phạm trật tự, lấn chiếm đất công của những kẻ đến nay vẫn chưa rõ tung tích. Kể từ khi đơn kêu cứu được gửi, rất lâu sau không thấy cơ quan chức năng lên tiếng, giải quyết nên  Quang Anh quyết định không theo đuổi vụ việc nữa; bị cáo đã nhờ Trọng (mối quan hệ bạn bè) giúp đỡ những người dân. Xung quanh vấn đề này, chủ tọa phiên tòa đã công bố bản bút lục, trong đó, Quang Anh nhận mình soạn thảo đơn: "Tôi tự soạn thảo và cho cậu nhân viên tên Đạt đánh máy rồi nhờ anh Trọng soạn thảo đơn giúp dân". Nguyên Trưởng Văn phòng công chứng Mỹ Đình khẳng định, mình soạn thảo đơn kêu cứu và 1 năm sau vụ việc, Quang Anh mới biết đến lá đơn tố cáo khẩn cấp. "Đơn tố cáo khẩn cấp, bị cáo không ký thì làm sao lại quy trách nhiệm về tội “Vu khống”?” - bị cáo Quang Anh "phản pháo".

Trong khi đó, bị cáo Trọng cũng quả quyết, không phải là tác giả của đơn tố cáo khẩn cấp nêu trên. Sau khi nhận được bản thô của đơn tố cáo khẩn cấp (Trọng khai, không biết ai gửi), Trọng chỉ lược bớt những từ ngữ dung tục... Trọng nói, không tiếp xúc với người dân, không biết ông Bí thư huyện ủy Từ Liêm thì làm sao lại "rơi" vào tội "Vu khống". Đại diện VKSND TP Hà Nội đặt câu hỏi về việc Văn phòng luật sư PGVN đóng dấu treo trên các bì thư gửi đi, Trọng cho hay, chưa bao giờ bị cáo phủ nhận điều này. Nguyên trưởng văn phòng luật sư cho rằng, mình kêu oan về bản chất của vụ án, còn lời khai từ trước tới giờ không thay đổi. Trọng khẳng định, soạn thảo đơn thư là nghĩa vụ, công việc của luật sư - một điều hết sức bình thường .

Tại phiên xử lần này, đại diện VKSND TP Hà Nội giữ quan điểm giống với VKSND huyện Từ Liêm và đề nghị HĐXX-TAND TP Hà Nội tuyên y án sơ thẩm.

Bị cáo Ngô Quang Anh và Hoàng Đình Trọng được tại ngoại chờ phán quyết cuối cùng.  Ảnh: Đỗ Phương

Luật sư bào chữa nói gì?

Ông Hoàng Huy Được, Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP Hà Nội, bào chữa cho Quang Anh, tỏ ra thất vọng vì các luật sư mổ xẻ từng chi tiết của vụ án nhưng đối đáp lại, đại diện VKSND TP Hà Nội chưa có những câu trả lời rõ ngọn ngành. Công tố viên phát biểu, giữ nguyên quan điểm và "ghi nhận" các ý kiến của luật sư. 

Phần tranh luận, luật sư Hoàng Ngọc Biên, Đoàn luật sư TP Hà Nội, bào chữa cho Quang Anh phân tích, đơn tố cáo khẩn cấp có chữ ký của 13 hộ dân là đơn tố cáo tập thể, có danh tính rõ ràng. Vì vậy, đơn này phải được giải quyết theo Luật Khiếu nại, tố cáo.  Nội dung đơn "tố" 2 đối tượng: Đối tượng bị tố cáo thứ nhất là "một số thanh niên lạ mặt đem theo dao, kiếm đến tháo dỡ bạt, chặt cây và xây dựng nhà trái phép trên diện tích đất là dự án vườn hoa cây xanh…". Lời tố này phản ánh việc thực tế và vì thế, UBND xã Mỹ Đình đã tổ chức phá bỏ, tháo dỡ ngôi nhà, trả lại mặt bằng. Đáng nói, trong khi những kẻ lạ mặt này không được làm rõ mà ông bí thư cho là "không bảo kê" và đề nghị các cơ quan tố tụng khởi tố vụ án để khởi tố những người tố cáo mình là trái với quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đối tượng thứ 2 được đề cập đến trong đơn thư tố cáo khẩn cấp là ông Bí thư huyện ủy Từ Liêm "đứng sau để bảo kê cho bọn cướp". Việc ông bí thư có hành vi liên quan đến việc "bảo kê" hay không thì phải được cơ quan có thẩm quyền kết luận. "Mối liên quan giữa ông bí thư và nhóm người này vẫn là ẩn số. Hơn nữa, các cơ quan tố tụng dùng từ "chủ đầu tư" đối với kẻ lấn chiếm đất công, xây dựng trái phép là không đúng. Đơn tố cáo có sự thật thì không thể coi là vu khống, bịa đặt" - ông Biên phát biểu.

Luật sư Được đồng quan điểm và đi sâu vào sự vắng mặt của bị hại tại tòa. Ông Được trình bày, ban đầu, vụ án được khởi tố theo yêu cầu của bị hại và cáo trạng của VKSND huyện Từ Liêm khẳng định rõ điều này. Căn cứ vào Điều 51 BLTTHS, người bị hại phải có mặt tại tòa, phải trình bày vụ việc. Nhưng giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử, ông bí thư không có mặt; việc ông ủy quyền cho ông Bạch Đăng Tân, Chánh Văn phòng huyện ủy Từ Liêm lại không hợp pháp (giấy ủy quyền không có công chứng). Như lời luật sư Được, trường hợp này là tố cáo cá nhân ông bí thư nên không thể lấy chức vụ Bí thư huyện ủy Từ Liêm để ủy quyền cho Chánh Văn phòng huyện ủy Từ Liêm. Thế nên, CQĐT lấy lời khai của ông Tân là không đúng.

Ngoài ra, lá thư xin lỗi (được đánh máy, đề ngày 12-5-2011; nói về việc xin lỗi ông bí thư của Quang Anh, Trọng), trong đó có chữ ký của Quang Anh, Trọng - đây được coi là một trong số những căn cứ để buộc tội 2 bị cáo - cũng được các luật sư "xoáy" sâu. Bị cáo Quang Anh khai, chiều 16-5-2011 (các bị cáo bị tạm giữ từ ngày 13-5-2011), cán bộ điều tra - Công an huyện Từ Liêm mang một bức thư đánh máy vào nhà tạm giữ gặp bị cáo Trọng, ông Nguyễn Văn Khiết, Nguyễn Việt Dũng - đều đang bị tạm giữ tại nhà tạm giữ của Công an huyện Từ Liêm, thuyết phục ký vào lá thư này để ông bí thư "bớt giận". Luật sư Được cho hay, bút tích ký vào các giấy tờ chuyển phát nhanh này là của bà Nguyễn Thị Mai Loan, vợ của ông Nguyễn Văn Khiết; gửi vào ngày 18-5-2011 và ngày 20-5-2011, Công an huyện Từ Liêm nhận được lá thư. Luật sư thắc mắc, nơi tạm giữ không có máy tính, các bị cáo soạn thư bằng cách nào? Nếu coi, có "vu khống" mới xin lỗi và lấy lá thư "bất minh" trên để buộc tội là sự suy diễn bất lợi cho bị cáo.

Trong khi đó, luật sư Trịnh Anh Dũng, bào chữa cho Trọng, chỉ rõ, ông bí thư không phải là người thi hành công vụ. Bởi, người thi hành công vụ phải là người trong cơ quan Nhà nước (không phải cơ quan Đảng). Do đó, đại diện VKSND TP Hà Nội cho rằng, là bí thư thì mặc nhiên là người thi hành công vụ thì không chính xác. Đây cũng là lý do ông Dũng khẳng định, không thể truy cứu trách nhiệm đối với các bị cáo ở điểm đ (đối với người thi hành công vụ) Điều 122 (tội "Vu khống") BLHS.

Nói lời sau cùng trước khi tòa tuyên án, Trọng và Quang Anh một mực kêu oan. Sau khi nghỉ nghị án, tòa quyết định kéo dài thêm thời gian nghị án và sẽ ra phán quyết vào ngày 21-3-2012.

Đỗ Phương
Nguồn : http://phapluatxahoi.vn/20120315101651689p1002c1019/toa-phuc-tham-nghi-an-mot-tuan.htm

Thứ Tư, 14 tháng 3, 2012

Toà chưa thể tuyên án vụ vu khống bí thư huyện

TPO - Sau khi có đơn kháng cáo của hai bị cáo, sáng nay (14-3), TAND TP Hà Nội mở phiên xét xử phúc thẩm vụ vu khống ông Lê Xuân Trường - Bí thư huyện uỷ Từ Liêm (Hà Nội).
Phiên xét xử phúc thẩm hôm nay, 14-3
Phiên xét xử phúc thẩm hôm nay, 14-3.

Cuối năm 2011, sau ba ngày xét xử, TAND huyện Từ Liêm (Hà Nội) tuyên án 15 tháng tù đối với Ngô Quang Anh (Trưởng văn phòng công chứng Mỹ Đình), 12 tháng đối với Hoàng Đình Trọng (Trưởng văn phòng luật sư PGVN, Hà Nội) về hành vi vu khống Bí thư huyện uỷ Từ Liêm – ông Lê Xuân Trường.
Không đồng tình với phán quyết này, Quang Anh, Trọng làm đơn kháng cáo.
Tại phiên xử sáng nay, rất nhiều luật sư vắng mặt, chỉ còn ba luật sư bào chữa cho hai bị cáo. Phiên xử phúc thẩm tiếp tục vắng mặt bị hại và người được uỷ quyền.
Với tình huống này, trong phần thủ tục, các luật sư đề nghị hoãn toà, triệu tập bị hại tới phiên xử để làm rõ việc có hay không hành vi xúc phạm, vu khống của các bị cáo đối với bí thư huyện uỷ.
Ngay lúc đó, Toà đã quyết định tham khảo ý kiến kiểm sát viên giữ quyền công tố tại toà và hội ý tại chỗ. Công tố viên nói, đây là phiên phúc thẩm, nếu các bên không kháng cáo, không nhất thiết phải có mặt tại toà.
Hơn nữa, do vụ án không phải được khởi tố theo yêu cầu bị hại, do vậy, đề nghị Toà tiếp tục làm việc. Đồng tình với ý kiến trên, phiên toà được xét xử như bình thường.
Trong quá trình xét xử, các bị cáo tiếp tục kêu oan và khẳng định, hành vi của họ không cấu thành tội phạm như cáo buộc của cơ quan công tố, cũng như Toà sơ thẩm.
Tại phần thẩm vấn cũng như tranh tụng, bị cáo Quang Anh khẳng định, bản thân không tham gia ký kết vào các lá đơn tố cáo ông bí thư, do vậy, không phải chịu trách nhiệm nội dung những lá đơn đó.
“Tôi không gặp gỡ bất cứ người dân nào, không ký vào đơn tố cáo ông Trường, cơ quan điều tra cũng không thu thập được lá đơn do tôi soạn thảo, do đó, không thể xét xử tôi tội vu khống” – bị cáo Quang Anh giải thích.
Tuy phủ nhận soạn thảo đơn tố cáo ông Trường, nhưng Quang Anh nói, có soạn đơn kêu cứu, với nội dung tố cáo nhóm người cướp đất, dùng vũ lực đe doạ người dân và xây dựng nhà trái phép.
Về phần mình, bị cáo Trọng, tuy không thừa nhận ký vào lá đơn tố cáo ông Trường, nhưng cũng thừa nhận có việc sửa chữa “bỏ đi những từ ngữ thô tục, thiếu văn hoá” trong lá đơn Quang Anh gửi qua hệ thống thư điện tử, sau đó đóng dấu văn phòng luật sư vào lá đơn và phong bì, gửi các cơ quan chức năng.
Với hành vi này, vị chủ toạ “chốt”: Đồng ý các bị cáo không ký vào đơn, nhưng có việc chuyển tài liệu, đơn cho nhau, sau đó sửa chữa, đóng dấu và phát tát đi khắp nơi, như vậy đủ để cấu thành hành vi vu khống.
Chưa thể tuyên án
Phiên phúc thẩm, các luật sư cũng như hai bị cáo tiếp tục công kích vào yếu tố hợp pháp của giấy uỷ quyền giữa ông Lê Xuân Trường và Chánh văn phòng huyện uỷ Từ Liêm – Đặng Minh Tân.
Theo các luật sư, vụ án liên quan đến quyền nhân thân, việc ông Trường uỷ quyền cho thuộc cấp là không hợp lệ. Hơn nữa, giấy ủy quyền không có xác nhận, chứng thực của văn phòng công chứng, nên đây là uỷ quyền trái luật.
Quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan chức năng đã mắc thiếu xót khi không tiến hành lấy lời khai, cũng như xác minh việc có hay không ông Trường bị vu khống.
“Tính đến thời điểm mở phiên phúc thẩm, chưa có bất cứ một kết luận chính thức nào của cơ quan chức năng xác định việc ông Trường bị vu khống, bị tố cáo sai sự thật” – một luật sư lên tiếng.
Đến phiên tranh tụng, ba vị luật sư liên tiếp “tấn công” kiểm sát viên, nhất là việc vị kiểm sát viên “nhỡ lời” dùng thuật ngữ “đồng bọn” khi kết luận vụ án.
“Trong tất cả các văn bản pháp luật, tôi chưa bao giờ đọc được viện kiểm sát sử dụng thuật ngữ đồng bọn thay thế đồng phạm” – luật sư Hoàng Huy Được (bào chữa có bị cáo Quang Anh) khẳng định.
Bên cạnh đó, các luật sư cũng khẳng định, ngay phần thủ tục, vị công tố viên khẳng định đây là vụ án được khởi tố không theo yêu cầu của bị hại là sai. Bởi ngay trang 2 của bản án sơ thẩm có đoạn: “Ngày 8-5-2011, ông Lê Xuân Trường gửi đơn yêu cầu khởi tố vụ án hình sự đến Công an huyện Từ Liêm yêu cầu điều tra, xử lý các đối tượng có hành vi vu khống ông...”.
Đáp lại các quan điểm của luật sư, vị công tố viên cơ bản sử dụng “luật im lặng”, qua đó kết luận, việc hai bị cáo cho rằng không ký vào các lá đơn nên không phạm tội là hành vi ngoan cố; phiên phúc thẩm không có tình tiết nào mới, do vậy, đề nghị HĐXX bác đơn kháng cáo, y án sơ thẩm.
Do có nhiều tình tiết phức tạp, HĐXX quyết định nghị án kéo dài, dự kiến sẽ tuyên án vào chiều 21-3 tới.
Diễn biến vụ án
Theo cáo buộc, khoảng cuối tháng 4 - 2011, Ngô Quang Anh, Hoàng Đình Trọng cùng một số đối tượng soạn thảo, phát tán đơn tố giác ông Lê Xuân Trường, Bí thư huyện uỷ Từ Liêm có hành vi bao che, bảo kê cho các đối tượng xấu, cướp đất công.
Sau này, qua điều tra, cơ quan chức năng xác định, các nội dung nêu trong đơn trên đã cố ý bịa đặt, nhằm xúc phạm danh dự, uy tín của bí thư huyện uỷ Từ Liêm. Vụ việc từng được đưa ra xét xử vào cuối tháng 10-2011, sau đó hoãn toà do thiếu vắng các luật sư bào chữa.
Giữa tháng 11-2011, Toà sơ thẩm tuyên 15 tháng tù đối với Quang Anh, nhẹ hơn ba tháng là mức án dành cho bị cáo Trọng. Không chấp nhận bản án này, hai bị cáo kháng án.
Bảo Thắng:

Khi dân “tố” quan


VOVGT - Án tù cho những luật sư giúp dân soạn đơn tố cáo ông Bí thư Huyện ủy Từ Liêm, một tiền lệ xấu, đủ để dập tắt mọi ý định chống tham nhũng của người.
Ngày hôm qua (14/3/2012) TAND thành phố Hà Nội đã mở phiên phúc thẩm theo yêu cầu kháng cáo của hai bị can Hoàng Đình Trọng và Ngô Quang Anh. Bốn tháng trước, tại phiên tòa sơ thẩm, họ đã bị kết tội vu khống. Hai bị can này đều là người học luật, một người là Trưởng văn phòng công chứng, một người là luật sư, họ đều cho rằng mình bị oan, và vụ án của họ đã trải qua một quá trình tố tụng bị vi phạm nghiêm trọng.

Trong bài viết nhỏ này, chưa bàn đến mức độ oan sai của các ông Hoàng Đình Trọng và Ngô Quang Anh, cũng chưa bàn đến những sai phạm trong quá trình tố tụng, chỉ nhìn ở bản chất cái gọi là “tội vu khống” mà các bị can đang được kết án, có thể khẳng định vụ án này sẽ là một tiền lệ xấu, đủ để dập tắt mọi ý định chống tham nhũng của người dân.

Theo hồ sơ vụ án, vào tháng 3/2011, những người dân sống bên tuyến đường Lê Đức Thọ (Từ Liêm, Hà Nội) bất ngờ thấy khoảng đất công, được quy hoạch làm vườn hoa gần nhà mình xuất hiện một nhóm người lạ mặt đổ bộ và dựng một ngôi nhà bằng vỏ contener. Bức xúc trước hành vi ngang nhiên chiếm đất công này, một số hộ dân đã làm đơn kêu cứu gửi các cơ quan chức năng huyện Từ Liêm. Sau một tháng không có hồi âm, các hộ dân đã nhờ ông Ngô Quang Anh, trưởng văn phòng công chứng Mỹ Đình làm hộ đơn.
Do không có chức năng tư vấn, ông Quang Anh đã gửi lá đơn kêu cứu cho người quen của mình là ông Hoàng Đình Trọng, là trưởng văn phòng luật sư PGVN. Ông Trọng đã giúp các hộ dân soạn đơn với nội dung tố cáo việc lấn chiếm đất công, và tố cáo ông Lê Xuân Trường, Bí thư huyện ủy Từ Liêm đã bảo kê những kẻ lấn chiếm. Sau khi những người dân ký đơn, ông Trọng đã thay mặt họ gửi đến các cơ quan chức năng. Đây là một việc làm hoàn toàn bình thường của một văn phòng luật sư, và cũng phù hợp với quy trình khiếu nại, tố cáo. Lẽ ra, sự việc sẽ được giải quyết theo quy trình giải quyết khiếu nại tố cáo. Song, vì người bị tố cáo là đương kim bí thư huyện ủy nên câu chuyện đã diễn ra không bình thường.

Ngày 5/5/2011, những lá đơn được gửi đi. Ngày 07/5/2011 Công an huyện Từ Liêm nhận được đơn tố cáo việc lấn chiếm đất công và hành vi bảo kê của ông Trường. Ngay ngày hôm sau, 8/5/2011, ông Trường có đơn yêu cầu Công an huyện Từ Liêm khởi tố vụ án, làm rõ hành vi vu khống của những người đã ký tên vào lá đơn tố cáo sự việc. Ba ngày sau, 11/5/2011, công an huyện Từ Liêm quyết định khởi tố vụ án. Ngày 13/5/2011 các ông Ngô Quang Anh và Hoàng Đình Trọng bị bắt tạm giam, để rồi ngày 22/5/2111 họ bị khởi tố về tội “vu khống”. Sau đó, như đã đề cập, ngày 21/11/2011 họ bị kết án với tội danh vu khống tại phiên tòa sơ thẩm.

Vê tội danh vu khống, hồ sơ vụ án không thể hiện được các yếu tố cấu thành tội phạm. Họ không phải người ký tên trên lá đơn (vật chứng). Và, cho dẫu cơ quan tố tụng có suy diễn theo hướng bất lợi, rằng họ khởi xướng việc tố cáo ông Trường, thì cũng chưa đủ căn cứ để khẳng định nội dung lá đơn đó là vu khống. Nội dung lá đơn tố cáo của người dân đề cập hai vấn đề: Thứ nhất là tình trạng ngang nhiên chiếm đất công của một nhóm thanh niên lạ mặt; thứ hai là ông Lê Xuân Trường đứng đằng sau bảo kê cho sự việc này. Về nội dung thứ nhất, việc chiếm đất công là có thật, và người dân có đầy đủ bằng chứng. Về nội dung thứ hai, hành vi lấn chiếm ngang nhiên xảy ra giữa ban ngày, và người dân đã có đơn tới các cơ quan chức năng huyện Từ Liêm nhưng không được giải quyết, như vậy, dấu hiệu bảo kê là có, và người dân có quyền nghi ngờ người đứng đầu địa phương là ông bí thư Lê Xuân Trường. Như vậy, không thể khẳng định việc tố cáo của người dân là vu khống khi cơ quan chức năng chưa chứng minh được nội dung tố cáo của người dân là bịa đặt.

Câu hỏi đặt ra ở đây là vì sao các cơ quan tố tụng huyện Từ Liêm lại vội vàng khởi tố, bắt giam, xét xử và kết án những người dân với tội vu khống khi chưa làm rõ được các yếu tố cấu thành tội phạm? Câu trả lời phải chăng nằm ở cái chức danh Bí thư huyện ủy của ông Lê Xuân Trường, với tư cách là người bị hại?

Trong vụ việc này, ông Trường là đối tượng bị tố cáo, tuy nhiên, ngày 7/5/2011 khi các cơ quan chức năng vừa nhận được đơn tố cáo của người dân thì ông Trường đã lập tức được biết nội dung tố cáo mình, để ngày hôm sau có đơn yêu cầu các cơ quan chức năng khởi tố người tố cáo. Điều này vi phạm nghiêm trọng quy định giữ bí mật danh tính người tố cáo, theo Luật Khiếu nại tố cáo.

Không những thế, ngay sau khi nhận được đơn tố cáo, ông Trường, trên cương vị là Bí thư huyện ủy đã tự kết luận mình bị oan sai, để yêu cầu công an khởi tố vụ án. Ai cho ông Trường cái quyền tự phán xét mình, để buộc tội vu khống cho người tố cáo mình. Và khi mà vụ án chưa được khởi tố, chưa phân công cán bộ điều tra mà lá đơn yêu cầu của ông Trường lại được một điều tra viên đóng dấu, ký tên. Điều này thể hiện rõ sự thiếu khách quan của cơ quan điều tra.

Một sai phạm đặc biệt nghiêm trọng trong vụ án này cũng được thể hiện tại bút lục 424, được ghi ngày 05/8/2011, là lời khai của ông Bạch Đăng Tân, Chánh văn phòng huyện ủy Từ Liêm. Theo đó, ông Tân cho biết: Ngày 10/5/2011 (tức là 1 ngày trước khi có quyết định khởi tố vụ án) ba ngành nội chính huyện Từ Liêm đã họp và thống nhất quan điểm xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với vụ việc này. Như vậy, nếu lời khai của ông Tân là đúng thì vụ án đã không được điều tra, truy tố và xét xử độc lập như quy định tại Hiến pháp. Còn nếu đây là lời khai bịa đặt của ông Tân, rõ ràng ông Tân mới là người cần bị khởi tố vì tội danh vu khống, làm ảnh hưởng đến uy tín của “ba ngành nội chính huyện Từ Liêm”.

Ngày 14/3, phiên tòa phúc thẩm đã diễn ra từ sáng đến chiều, song hội đồng xét xử đã chưa thể tuyên án, mà phải hoãn sang một tuần nữa. Rõ ràng, đây là một vụ án có quá nhiều uẩn khúc, một vụ án mà dường như các quan tòa đang bị “làm khó” vì sự mong manh của lời buộc tội đối với những công dân đang tin tưởng vào công cuộc đấu tranh chống tham nhũng của đất nước.

Khó, vì trên lý thuyết thì mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, song lá đơn gửi cơ quan pháp luật của công dân bị tố cáo trong vụ án này lại ghi rõ chức danh khá quan trọng của mình.
Lão Phạm

Vụ án vu khống Bí thư huyện ủy, dành một tuần nghị án

Sau một ngày xét xử phúc thẩm vụ án vu khống Bí thư huyện ủy Từ Liêm, Hà Nội, chủ tòa phiên tòa tuyên bố: Do tính chất phức tạp của vụ án, HĐXX sẽ nghị án trong nhiều ngày. Dự kiến đến ngày 21.3, bản án phúc thẩm sẽ được tuyên.
Các bị cáo trong vụ án này là Ngô Quang Anh (SN 1971, nguyên là công chứng viên Văn phòng Công chứng Mỹ Đình), Hoàng Đình Trọng (SN 1970, nguyên là luật sư của Văn phòng luật sư PGVN) và Vũ Tiến Phùng (SN 1950, thôn Phú Mỹ, xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm) cùng bị truy tố về tội “vu khống”.
Trước đó vào tháng 11.2011, TAND huyện Từ Liêm đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án trên. Bị cáo Ngô Quang Anh 15 tháng tù, bị cáo Trọng 12 tháng tù, bị cáo Phùng bị phạt 6 tháng nhưng cho hưởng án treo. Do không đồng ý với phán quyết của tòa cấp sơ thẩm, 2 bị cáo Quang Anh và Hoàng Đình Trọng đã kháng án.
Bị cáo Quang Anh (người thấp) và bị cáo Trọng cho rằng bị truy tố oan.
Bị cáo Quang Anh (người thấp) và bị cáo Trọng cho rằng bị truy tố oan.
Theo tài liệu truy tố, vào khoảng tháng 3.2010, khi thấy ngôi nhà được xây dựng trái phép trên khuôn viên lô đất làm vườn hoa cây xanh của khu đất đấu giá thuộc thôn Phú Mỹ, xã Mỹ Đình, bị cáo Phùng đã nhờ Quang Anh viết đơn kêu cứu. Quang Anh đồng ý.

Soạn thảo đơn xong, Quang Anh đưa cho bị cáo Phùng và những người sống xung quanh cùng ký, gửi đi các cơ quan chức năng để giải quyết. Cuối tháng 4.2011, không thấy chính quyền sở tại trả lời đơn, Quang Anh đến văn phòng luật sư PGVN của bị cáo Trọng và nhờ một nhân viên tại đây đánh máy đơn tố cáo. Trong đơn, có nội dung tố cáo: “Bí thư huyện ủy Từ Liêm lợi dụng chức vụ quyền hạn… tổ chức băng nhóm giang hồ, bảo kê cướp đất”. Trong đơn này còn đề nghị đưa Bí thư huyện ủy Từ Liêm cùng 1 số người khác ra trước “ánh sáng pháp luật, truy cứu trách nhiệm hình sự”.

Sau đó, bị cáo Quang Anh nhờ bị cáo Trọng chỉnh sửa, bỏ đi một số từ thiếu văn hóa. Tờ đơn được in ra và đưa cho bị cáo Phùng để lấy chữ ký của người dân sống quanh đó. Bị cáo Phùng cầm 20 lá đơn đưa cho 13 người ký.
Những lá đơn này sau đó được đóng dấu giáp lai và dấu treo bằng con dấu của văn phòng luật sư PGVN rồi gửi đi 8 cơ quan khác nhau như: Thành ủy Hà Nội, HĐND TP Hà Nội, HĐND huyện Từ Liêm… (gửi kèm ảnh chụp ngôi nhà xây dựng trái phép và tờ phô tô bản đồ thửa đất thể hiện dự án vườn hoa, cây xanh).

Tại phiên tòa phúc thẩm, cả 2 bị cáo Quang Anh và Hoàng Đình Trọng vẫn tiếp tục cho rằng mình bị oan. Bởi bản thân cả 2 không ký vào đơn tố cáo Bí thư huyện ủy. Bị cáo Quanh Anh nói có soạn đơn kêu cứu với nội dung tố cáo nhóm người cướp đất, dùng vũ lực đe dọa người dân, đồng thời còn xây dựng nhà trái phép.
Đối với bị cáo Trọng, cũng cho rằng mình không ký vào đơn tố cáo. Bị cáo này nhận có việc sửa chữa “bỏ đi những từ ngữ thô tục, thiếu văn hoá” trong lá đơn Quang Anh gửi qua hệ thống thư điện tử. Sau đó đóng dấu văn phòng luật sư vào lá đơn và phong bì, gửi đến cơ quan chức năng.
HĐXX cho rằng, các bị cáo không ký vào đơn, nhưng có việc chuyển tài liệu, đơn cho nhau, sau đó sửa chữa, đóng dấu và phát tán đi khắp nơi, như vậy đủ để cấu thành hành vi vu khống.
Đại diện Viện KS giữ quyền công tố tại tòa cho rằng việc hai bị cáo cãi không ký vào các lá đơn nên không phạm tội là hành vi ngoan cố; phiên phúc thẩm không có tình tiết nào mới, do vậy, đề nghị HĐXX bác đơn kháng cáo, y án sơ thẩm.
Lương Kết

Vụ Bí thư Huyện ủy Từ Liêm bị “vu khống”: Chưa thể tuyên án vì có nhiều tình tiết phức tạp

 
Hôm qua-14/3, TAND TP.Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án “Vu khống” đối với 2 bị cáo Ngô Quang Anh (SN 1971, nguyên là Công chứng viên Văn phòng Công chứng Mỹ Đình) và Hoàng Đình Trọng (SN 1971, nguyên là Luật sư Văn phòng Luật sư PGVN).
Bị cáo Quang Anh luôn  kêu oan trong suốt quá trình  xét xử
Bị cáo Quang Anh luôn kêu oan trong suốt quá trình xét xử
Có hay không yêu cầu khởi tố của Bí thư Huyện ủy?
Trước đó, vào tháng 11/2011, HĐXX sơ thẩm đã tuyên phạt Quang Anh 15 tháng tù, Trọng 12 tháng tù và Vũ Tiến Phùng (SN 1950, cán bộ hưu trí) 6 tháng tù (cho hưởng án treo) về tội “Vu khống”. Sau phiên tòa này, Quang Anh và Trọng đã kháng cáo kêu oan.
Vụ án xuất phát từ việc ông Lê Xuân Trường (Bí thư Huyện ủy Từ Liêm, Hà Nội) có đơn yêu cầu đến Công an huyện Từ Liêm khởi tố vụ án, điều tra, xử lý các đối tượng có “đơn tố cáo khẩn cấp” vu khống ông là người “bảo kê” cho nhóm đối tượng lưu manh, cướp đất công tại thôn Phú Mỹ, xã Mỹ Đình. Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, xác định đơn thư có chữ ký của 13 người dân. 
Xuất phát từ việc vào tháng 3/2011, có một số đối tượng đã đến xây nhà trái phép trên phần đất quy hoạch vườn hoa, cây xanh trên đường Lê Đức Thọ, trước cửa Văn phòng (VP) Công chứng Mỹ Đình và nhà của bị cáo Phùng. Quang Anh đã giúp ông Phùng viết “đơn kêu cứu” tố cáo gửi đi mốt số cơ quan nhưng hơn một tháng sau vẫn không thấy được giải quyết.
Theo HĐXX sơ thẩm, vào cuối tháng 4/2011, Quang Anh đã soạn thảo tiếp một đơn “tố cáo khẩn cấp” rồi nhờ Trọng chỉnh sửa. Sau đó, Trọng bảo nhân viên VP Công chứng in, phô tô và đưa cho Phùng đi xin chữ ký của mọi người. Quang Anh cầm ảnh chụp căn nhà xây trái phép, trích lục bản đồ và số “đơn kêu cứu khẩn cấp” trên đến VP Luật sư PGVN để Trọng bảo nhân viên đóng dấu giáp lai rồi đóng phong bì, gửi đến các cơ quan khác nhau…
 Cũng như phiên tòa sơ thẩm, phiên tòa phúc thẩm hôm qua đã vắng mặt bị hại là ông Lê Xuân Trường. Các Luật sư đã đề nghị hoãn phiên tòa để tiến hành triệu tập bị hại vì đây là vụ án được khởi tố theo yêu cầu của ông Trường. Tuy nhiên, đại diện VKSND TP.Hà Nội lại cho rằng: “Đây không phải là vụ án được khởi tố theo yêu cầu nên không cần thiết phải có mặt ông Trường”.
Nhiều Luật sư đã không đồng tình với ý kiến này khiến một thẩm phán phải có ý kiến:  “Nếu xử các bị cáo ở Khoản 1 Điều 122  Bộ luật Hình sự thì mới bắt buộc phải có yêu cầu khởi tố của bị hại cũng như  sự có mặt của bị hại tại phiên tòa. Ở vụ án này, các bị cáo bị xử ở Khoản 2 Điều  BLHS nên không thiết phải có mặt bị hại”.
Tuy phiên xử vẫn tiếp tục nhưng tại phần xét hỏi và tranh luận, nhiều Luật sư vẫn tiếp tục đề nghị làm rõ về ý kiến trước đó của Kiểm sát viên (KSV). Theo họ, từ trước đến nay, các cơ quan tố tụng huyện Từ Liêm đều khẳng định: “Ông Trường có đơn yêu cầu khởi tố vụ án hình sự và điều tra làm rõ hành vi vu khống của những người đã ký trong đơn tố cáo”.
Ngay tại phiên tòa sơ thẩm, HĐXX cũng đã cho Thư ký tòa đọc một văn bản của phía bị hại và coi đây là bản luận tội bị hại trong trường hợp vụ án được khởi tố theo yêu cầu của ông Trường. Tại sao đến phiên tòa này, KSV có quan điểm trái ngược rằng, “vụ án không được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại”?
Ai là người soạn lá đơn thứ 2?
Bản án sơ thẩm cho rằng, Quang Anh là người khởi xướng và soạn thảo đơn “Tố cáo khẩn cấp”. Tuy nhiên, tại cả hai phiên tòa, Quang Anh đều chối và khai chỉ soạn thảo “Đơn kêu cứu”, không liên quan đến nội dung tố cáo ông Trường. Trong khi đó, Quang Anh khai: “Bị cáo không biết ai viết Đơn tố cáo khẩn cấp (tức lá đơn thứ 2- PV).
Bị cáo thấy đơn này có trong hòm thư điện tử nên đã chỉnh sửa đơn này và bỏ đi một số từ ngữ thiếu văn hóa”. Còn tại giai đoạn điều tra, có lúc Trọng nhận mình là người viết đơn “Tố cáo khẩn cấp”, lúc khác lại khai đơn này là do Quang Anh soạn thảo, mình chỉ là người sửa đơn.
Trước những lời khai mâu thuẫn trong việc xác định người soạn thảo lá đơn thứ 2 như trên, bị cáo Quang Anh có ý kiến “Không ai biết bản phôi (tức bản thảo- PV) “Đơn tố cáo khẩn cấp” gửi cho bị cáo Trọng như thế nào thì không thể quy kết tôi soạn thảo đơn vu khống ông Trường được”.
Cùng quan điểm này, bị cáo Trọng cũng phát biểu: “Tòa cấp sơ thẩm không đưa ra chứng cứ về việc tôi sửa đơn như thế nào. Nếu thừa nhận tôi đã lược bỏ những từ ngữ tục tĩu thì cũng có nghĩa tôi có công chứ không có tội”. Trọng còn cho hay: “Việc soạn thảo đơn cho khách hàng, cho công dân là chức năng của VP Luật sư, được pháp luật cho phép. Người ký đơn phải chịu trách nhiệm về nội dung đơn chứ người soạn thảo đơn không thể là đồng phạm về tội “Vu khống” được”.
Trước những lời khai này, đại diện VKS cho rằng, không có có sở chấp nhận kháng cáo nên đề nghị HĐXX giữ nguyên mức hình phạt như án sơ thẩm. Tranh luận lại, toàn bộ các Luật sư đều đề nghị HĐXX tuyên các bị cáo không phạm tội và đình chỉ vụ án.
Ngoài những sai sót về tố tụng đã được thừa nhận trong bản án sơ thẩm, các Luật sư cho rằng đơn tố cáo của các hộ dân chưa được giải quyết theo Luật Khiếu nại tố cáo thì chưa thể khẳng định ông Trường bị vu khống.
Vụ án được khởi tố theo yêu cầu của ông Trường nhưng ông Trường không có lời khai tại CQĐT; ông Trường ủy quyền sai quy định; không thể áp dụng tình tiết “vu khống người đang thi hành công vụ”  vì bị hại không là người trong bộ máy chính quyền...
Việc KSV “ghi nhận ý kiến của các Luật sư” nhưng “vẫn bảo lưu quan điểm trước đó” khiến nhiều Luật sư tỏ ra thất vọng với “thiện chí” của đại diện VKSND TP.Hà Nội tại tòa.
Sau khoảng một tiếng đồng hồ nghị án, Chủ toạ phiên tòa tuyên bố: “Do vụ án có nhiều tình tiết, HĐXX cần bàn thêm nên sẽ tuyên án vào chiều 21/3 (sau đúng một tuần nữa)”.
Khoa Lâm

Vụ “vu khống” Bí thư Từ Liêm: Dân không tố nổi quan?


Link gốc: Infonet 

Chiều 14/3, sau khi nghe tranh luận và kiến nghị của các luật sư trong vụ án “vu khống” Bí thư Huyện ủy Từ Liêm , HĐXX đã quyết định kéo dài thời gian nghị án cho đến ngày 21/3 tới. Nội dung luận tội của cơ quan xét xử đang tạo nên nhiều phản ứng không đồng tình trong dư luận.
Như Infonet đã đưa tin, trong các ngày từ 16 đến 21/11/2011, Tòa án nhân dân (TAND) huyện Từ Liêm đã xét xử sơ thẩm vụ án “vu khống” Bí thư Huyện ủy Từ Liêm - ông Lê Xuân Trường. Vào thời điểm phạm tội, bị cáo Ngô Quang Anh là Trưởng Văn phòng Công chứng Mỹ Đình, bị cáo Hoàng Đình Trọng là Trưởng Văn phòng luật sư PGVN. Cả 2 văn phòng nêu trên đều có chức năng tư vấn pháp luật, soạn thao các văn bản giúp công dân…
Vụ “vu khống” Bí thư Từ Liêm: Dân không tố nổi quan?
Ngôi nhà xây dựng trái phép trên khu đất đã được phá dỡ
Theo bản án sơ thẩm, bị cáo Anh phải chịu mức án 15 tháng tù giam vì đã tham gia soạn thảo giúp 13 công dân trú tại xã Mỹ Đình (Từ Liêm, Hà Nội) lá đơn kêu cứu có nội dung tố cáo ông Lê Xuân Trường, Bí thư Huyện ủy Từ Liêm bảo kê cho nhóm xã hội đen ngang nhiên xây nhà trên đất công.
Bị cáo Trọng phải chịu mức án 12 tháng tù giam cho hành vi cùng tham gia soạn thảo, chỉnh sửa lá đơn giúp các công dân nêu trên và đóng dấu Văn phòng Luật sư PGVN giáp lai vào lá đơn khi gửi tới các cơ quan chức năng. Sau khi lá đơn đến được với Bí thư Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, Báo Hà Nội mới… ngôi nhà xây dựng trái phép trên mảnh đất công tại mặt đường Lê Đức Thọ (gần di tích Đình Phú Mỹ, xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm, TP.Hà Nội) mới được giải quyết.
Riêng bị cáo Vũ Tiến Phùng, người tìm đến Văn phòng Công chứng Mỹ Đình, Văn phòng Luật sư PGVN để nhờ Anh, Trọng soạn thảo đơn và vận động 12 công dân trú gần khu đất bị lấn chiếm cùng ký vào đơn, phải chịu mức án 6 tháng tù nhưng được hưởng án treo.
Theo cáo trạng, vụ án được khởi tố theo “đơn yêu cầu khởi tố vụ án hình sự” của bị hại là ông Lê Xuân Trường, Bí thư Huyện ủy Từ Liêm, phù hợp với quy định của điều 105 Bộ luật Tố tụng hình sự. Tuy nhiên, trong suốt quá trình điều tra vụ án, chứng cứ buộc tội cho các bị cáo chỉ dựa vào lá thư xin lỗi do các bị cáo ký trong thời gian bị tạm giam, được soạn thảo bởi điều tra viên. Các lời khai bị coi là các bị cáo “nhận tội” đã bị các bị cáo phản cung tại phiên tòa. Người bị hại không có lời khai nào trong bút lục, không có mặt tại phiên tòa cũng như trong suốt quá trình điều tra vụ án. Đặc biệt, hậu quả của lá đơn vu khống đã không được xác định. Ông Lê Xuân Trường sau khi bị “vu khống” đến nay, vẫn là Bí thư Huyện ủy Từ Liêm, không có thiệt hại nào về vật chất do lá đơn “vu khống” gây ra.
Trái lại, hiệu quả của lá đơn kêu cứu khẩn cấp là đã góp phần tố giác nhóm tội phạm chiếm đoạt đất công và đã được cơ quan chức năng huyện Từ Liêm cưỡng chế, thu hồi lại sau đó. Xin nói thêm rằng, trước đó, người dân ở xã Mỹ Đình cũng đã nhiều lần gửi đơn tố cáo nhóm người ngang nhiên xây nhà trái phép trên đất công này gửi đến UBND xã Mỹ Đình, Công an, Huyện ủy và UBND huyện Từ Liêm nhưng không được xem xét giải quyết. Nguyên nhân là do các lá đơn đã không chỉ ra được “ai đứng đằng sau” hành vi ngang nhiên chiếm đoạt đất công nêu trên nên đã “rơi vào im lặng”.
Tại phiên tòa sơ thẩm, 10 luật sư bào chữa cho các bị cáo đều chứng minh Anh, Trọng, Phùng vô tội theo quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo và Luật Phòng chống tham nhũng. Các luật sư cũng như bị cáo cũng đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) yêu cầu cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Từ Liêm làm rõ các đối tượng đã có hành vi “ngang nhiên xây nhà trái phép trên đất công” theo nội dung đơn phản ánh. Khi làm rõ được các đối tượng lấn chiếm đất công này và xác định “không có mối quan hệ giữa nhóm xã hội đen với ông Lê Xuân Trường, Bí thư huyện ủy Từ Liêm” thì nội dung lá đơn mới bị coi là “vu khống”. Thế nhưng, những yêu cầu chính đáng, quan trọng nhất của vụ án đã không được làm rõ. Mặc dù vậy, HĐXX sơ thẩm vẫn tuyên các bị cáo phạm tội. Sau khi án tuyên, bị cáo Anh, Trọng đã làm đơn kháng cáo kêu oan.
Trọn buổi sáng ngày 14/3 của phiên tòa phúc thẩm, HĐXX đã thực hiện việc xét hỏi các bị cáo và tranh luận. Tuy nhiên, điều mà các bị cáo cũng như luật sư mong đợi ở phiên tòa này là việc triệu tập “người bị hại” để làm rõ thiệt hại do bị vu khống; triệu tập các điều tra viên để làm rõ nội dung các bị cáo tố cáo là bị ép cung, mớm cung, dụ cung, đã không được thực hiện. HĐXX chỉ tập trung thẩm vấn các bị cáo nhằm làm rõ có hay không việc các bị cáo cùng bàn bạc, soạn thảo lá đơn tố cáo có nội dung cho rằng ông Lê Xuân Trường, Bí thư Huyện ủy Từ Liêm “bảo kê”, “đứng đằng sau” nhóm côn đồ ngang nhiên chiếm đoạt đất công.
Vụ “vu khống” Bí thư Từ Liêm: Dân không tố nổi quan?
Phiên tòa xét xử vụ án "vu khống" Bí thư Huyện ủy Từ Liêm
Tại phiên tòa sơ thẩm, các luật sư tiếp tục đề nghị HĐXX làm rõ mối quan hệ giữa nhóm côn đồ đã từng sử dụng hung khí đe dọa người dân, ngang nghiên xây nhà trái phép trên đất công được nêu trong lá “đơn kêu cứu khẩn cấp” với ông Lê Xuân Trường, Bí thư huyện ủy Từ Liêm. Theo luật sư Hoàng Huy Được, việc giải quyết nội dung lá đơn kêu cứu có nội dung tố cáo ông Lê Xuân Trường, Bí thư huyện ủy Từ Liêm phải được thực hiện theo luật Khiếu nại tố cáo và Luật Phòng chống tham nhũng. Sau khi cơ quan chức năng kết luận không có mối quan hệ bảo kê giữa Bí thư huyện ủy Từ Liêm với nhóm xã hội đen chiếm đất công nêu trong đơn thì một phần lá đơn mới bị coi là vu khống. Do vậy, việc Cơ quan Cảnh sát điều tra vội vàng khởi tố vụ án theo đơn yêu cầu của ông Lê Xuân Trường là trái với quy định pháp luật.
Buổi chiều 14/3, sau khi nghe ý kiến tranh luận và kiến nghị của các luật sư, HĐXX đã quyết định kéo dài thời gian nghị án cho đến ngày 21/3 tới.
Với hành vi soạn thảo đơn giúp công dân, đóng dấu giáp lai vào các trang đơn giúp 13 công dân gửi đến các cơ quan chức năng nhằm bảo vệ tài sản là đất đai cho nhà nước có bị coi là phạm tội? Dư luận đang mong chờ một bản án phúc thẩm có sức thuyết phục, góp phần thể hiện cải cách tư pháp và bảo vệ tính mạng cho những người thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo và chống tham nhũng đã được pháp luật bảo hộ.
Trần Cường

Chi tiết phiên tòa phúc thẩm

Xin ấn vào ĐÂY để nghe diễn biến phiên tòa phúc thẩm.

Thứ Năm, 22 tháng 12, 2011

ĐƠN KÊU OAN KHẨN CẤP


CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

ĐƠN KÊU OAN KHẨN CẤP

                                                                                              Hà Nội ngày 08 tháng 12 năm 2011

Kính gửiÔng Chủ tịnh nước CHXHCN Việt Nam

Chúng tôi là:
Ngô Quang Anh – sinh năm 1971.
Nghề nghiệp: Công chứng viên – Trưởng Văn phòng Công chứng Mỹ Đình, thuộc Sở Tư pháp thành phố Hà Nội.
Hộ khẩu thường trú tại: Số 51/82, đường Phạm Ngọc Thạch, phường Quang Trung, quận Đống Đa, TP Hà Nội.
Nơi ở hiện nay: Số 51/82, đường Phạm Ngọc Thạch, phường Quang Trung, quận Đống Đa, TP Hà Nội.

Hoàng Đình Trọng – sinh năm 1971.
Nghề nghiệp: Luật sư - Trưởng Văn phòng Luật sư PGVN, thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.
Hộ khẩu thường trú tại: Tổ 42, cụm 7, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, TP Hà Nội.
Nơi ở hiện nay: Phòng 502, B4, Tập thể Giảng Võ, phường Giảng Võ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.

Chúng tôi làm đơn này kêu oan khẩn cấp tới quý Ông, quý cơ quan vì ngày 21 tháng 11 năm 2011, Tòa án nhân dân huyện Từ Liêm, Hà Nội đã xét xử và tuyên chúng tôi phạm tội “Vu khống” theo khoản 2, Điều 122 Bộ Luật Hình sự và tuyên phạt chúng tôi mức án 15 tháng tù giam và 12 tháng tù giam là hoàn toàn oan sai, không đúng người, không đúng tội, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của chúng tôi theo quy định của pháp luật. Quá trình khởi tố, truy tố, xét xử của ba cơ quan tiến hành tố tụng huyện Từ Liêm trong vụ án này hoàn toàn trái với quy định của pháp luật. Kính đề nghị quý Ông, quý cơ quan xem xét toàn bộ nội dung vụ án và có ý kiến can thiệp nhằm giải oan cho chúng tôi. Nội dung cụ thể như sau:
1.                  Đối với công chứng viên Ngô Quang Anh:
-                     Tôi khẳng định, tôi không phải là người chứng kiến việc lập, ký lá Đơn tố cáo khẩn cấp và không vận động 13 người dân tố cáo ông Lê Xuân Trường, Bí thư huyện ủy Từ Liêm. Bằng việc không có chữ ký thể hiện ý chí của mình, căn cứ theo Luật khiếu nại tố cáo, Tôi không thể trở thành người tố cáo ông Trường và đương nhiên Tôi không phải là người thực hiện hành vi phạm tội “vu khống”, nếu có việc vu khống xảy ra của ai đó đối với ông Trường. Điều 122 BTTHS đã quy định : “Người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền…”. Như vậy, Tôi không ký tên mình vào đơn tố cáo ông Trường thì trước pháp luật, đương nhiên Tôi không phải chịu bất kỳ một trách nhiệm hình sự nào. Tôi không có bất cứ hành vi nào “bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt…” đối với ông Trường nên không có hành vi nào phạm tội “Vu khống”.
-                     Điều 122 BLTTHS chỉ coi người nào “bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền…”. Về mặt ý chí của Tôi, nếu muốn tố cáo ông Trường thì bắt buộc phải thể hiện ý chí ấy thông qua việc tự tay ký tên mình vào trong đơn tố cáo ông Trường hay nói cách khác nếu xét về mặt “chủ thể, khách thể, chủ quan, khách quan” thì Tôi hoàn toàn không có bất cứ dấu hiệu nào liên quan đến việc cấu thành tội danh “ vu khống”.
-                     CQCSĐT không hề có bất cứ một bằng chứng gì về việc Tôi có liên quan đến việc tố cáo của 13 người dân ngoài những lời khai mâu thuẫn, không có đối chất, hoặc đối chất không thống nhất của một số người không tham gia ký đơn (những lời khai này đã bị chính người khai phủ nhận tại Phiên Tòa sơ thẩm). Thời gian, địa điểm Tôi soạn thảo Đơn kêu cứu hay Đơn tố cáo không cụ thể, rất mâu thuẫn, không có bằng chứng, chủ yếu dựa trên sự suy diễn bất lợi nhằm buộc tội Tôi trái với quy định tại BLTTHS.
-                     Trong suốt quá trình tố tụng và tại Bản án sơ thẩm, Hội đồng xét xử trong phần nhận định đã nêu “Mặc dù không biết rõ ông Lê Xuân Trường – Bí thư huyện ủy là ai, cũng không có căn cứ gì chứng minh ông Trường là người bảo kê …”. Bằng nhận định này đã thể hiện, chính Hội đồng xét xử sơ thẩm đã công nhận rằng không ai trong chúng tôi “biết rõ” về ông Trường, và như vậy là không đủ yếu tố cấu thành Điều 122, hay nói cách khác là không có dấu hiệu phạm tội. Còn việc không có “căn cứ gì chứng minh” không phải là yếu tố để cấu thành tội vu khống, người tố cáo không có nghĩa vụ phải “có căn cứ gì chứng mình”  về nội dung mình tố cáo (khoản 2, điều 57, Luật khiếu nại tố cáo) mà nghĩa vụ này là nghĩa vụ của người bị tố cáo được quy định tại khoản 2 Điều 58, LKNTC. “Sự thật” về những kẻ chiếm đất là một lỗ hổng trong vụ án này, CQCSĐT đã không hiểu tại sao lại không tìm ra, và đây là nghĩa vụ cần phải chứng minh của người bị tố cáo và CQCSĐT huyện Từ Liêm!
-                     Cho đến hôm nay, mặc dù kẻ chiếm đất được coi là mất tích, Tôi và nhân viên VPCC Mỹ Đình vẫn đang bị nhóm người chiếm đất quấy phá, đe dọa. Cụ thể là khoảng 11h30 đêm ngày 21/11/2011, ông Hoàng Ngọc Sơn là dân ở gần Văn phòng Tôi đã phát hiện Văn phòng bị cậy cửa và có đấu hiệu bị đột nhập, chúng tôi đã kiểm tra nhưng chưa phát hiện được mất mát, động cơ của việc làm này rất khó hiểu và làm Tôi vô cùng hoang mang do sợ bị trả thù.  
2.                  Đối với Luật sư Hoàng Đình Trọng:
-                     Tôi khẳng định tôi không phải là người ký đơn tố cáo ông Lê Xuân Trường, Bí thư huyện ủy Từ Liêm, Hà Nội. Và một khi tôi không phải là người ký đơn tố cáo ông Trường thì đương nhiên tôi không phải là người thực hiện hành vi phạm tội “vu khống” nếu có việc vu khống xảy ra của ai đó đối với ông Lê Xuân Trường. Điều 122 Bộ Luật Hình sự đã quy định : “Người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền…”. Như vậy, tôi không ký tên mình vào đơn tố cáo ông Lê Xuân Trường thì trước pháp luật, đương nhiên tôi không phải chịu bất kỳ một trách nhiệm dân sự hay hình sự nào. tôi không có bất cứ hành vi nào “bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt…” đối với ông Trường nên tôi không có hành vi nào phạm tội “Vu khống”.
-                     Tôi sửa đơn tố cáo cho 13 người dân với động tác bỏ bớt đi những từ ngữ “thiếu văn hóa” trong đơn, việc làm này của tôi hoàn toàn không phạm vào điều cấm của Bộ luật Hình sự nói chung và tại Điều 122 Bộ Luật Hình sự nói riêng. Tại phiên Tòa, bà Nguyễn Thúy Diệp, đại diện VKSND huyện Từ Liêm trong phần luận tội đã lập luận với nội dung rằng: Do tôi khi sửa đơn cho dân vì nhìn thấy tên ông Trường đã có sẵn trong đơn, nhưng không có căn cứ gì về việc ông Trường “bảo kê” mà vẫn sửa nên tôi phạm tội “Vu khống” với vai trò đồng phạm. Hội đồng xét xử sơ thẩm cũng xác định việc tôi sửa đơn là về mặt hình thức đơn và bỏ bớt mấy từ thiếu văn hóa, nhưng lại vẫn tuyên Tôi phạm tội “Vu khống” với mức hình phạt 12 tháng tù giam. Bản thân Tôi là Luật sư, có chức năng soạn thảo đơn cho khách hàng, nhưng tôi không ký tên tôi vào đơn thì tại sao tôi lại phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc soạn thảo đó?. Một lá đơn đánh máy xong rồi bỏ trống, không có chữ ký của một người nào thì có giá trị pháp lý hay không? tôi không hiểu hội đồng xét xử Tòa án cấp sơ thẩm đã căn cứ vào quy định nào, Điều Luật nào để cho rằng vì tôi sửa đơn có nhìn thấy nội dung đơn thì tôi phải chịu trách nhiệm hình sự?
-                     Nhân viên của Văn phòng Luật sư PGVN do tôi làm Trưởng văn phòng đóng dấu giáp lai vào đơn và đóng dấu treo của Văn phòng Luật sư PGVN vào phong bì thư và gửi đơn, thư tới bưu điện là hoàn toàn không phạm vào điều 122 Bộ Luật Hình sự với tội danh “vu khống”. Con dấu của một pháp nhân được đóng giáp lai và dấu treo ngoài phong bì mà không có chữ ký của người đứng đầu pháp nhân đó thì đương nhiên hoàn toàn không có giá trị pháp lý.
-                     Điều 122 Bộ Luật Hình sự chỉ coi người nào “bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền…” thì mới phạm tội “Vu khống”. Về mặt ý chí của Tôi nếu muốn tố cáo ông Lê Xuân Trường thì bắt buộc phải thể hiện ý chí ấy thông qua việc tự tay ký tên mình vào trong đơn tố cáo ông Trường hay nói cách khác nếu xét về mặt “chủ thể, khách thể, chủ quan, khách quan” thì tôi hoàn toàn không có bất cứ dấu hiệu nào liên quan đến việc cấu thành tội danh “ vu khống”.
3.                  Về “ủy quyền”của ông Lê Xuân Trường cho ông Bạch Đăng Tân:
-           Tại “Đơn yêu cầu khởi tố vụ án hình sự” đề ngày 8/5/2011 của ông Trường gửi CQCSĐ Công an huyện Từ Liêm, phần cuối đơn ông có ghi thêm 22 từ: “Vì điều kiện công tác, chúng tôi ủy quyền cho ông Bạch Đăng Tân - Chánh Văn phòng tham gia tố tụng”. Như vậy, ngoài 22 từ đó ra, trong hồ sơ vụ án không có bất cứ một văn bản ủy quyền nào của ông Trường cho ông Tân như ông đã “nhắc” đến trong “đơn yêu cầu khởi tố vụ án hình sự” nêu trên, qua đó thể hiện ý thức lạm quyền, coi thường pháp luật của ông Trường – một người đang giữ chức vụ Bí thư huyện ủy Từ Liêm, Hà Nội.
-                     Tại phiên Tòa ngày 16/11/2011, bà Nguyễn Thúy Diệp đại diện VKSND huyện Từ Liêm và ông Lại Tiến Trung – Thẩm phán, chủ Tọa phiên Tòa đã công khai thừa nhận là trong hồ sơ vụ án “không có văn bản ủy quyền nào của ông Trường cho ông Tân”. Nhưng phần tuyên án, Hội đồng xét xử sơ thẩm vẫn mặc nhiên coi là có việc ủy quyền của ông Trường cho ông Tân. Từ đó Hội đồng xét xử sơ thẩm chấp nhận và công bố “lời buộc tội” của một người (ông Tân) không liên quan gì đến vụ án này. Đây là một vi phạm đặc biệt nghiêm trọng thủ tục tố tụng theo quy định tại BLTTHS
4.                  Về sự vắng mặt của ông Lê Xuân Trường tại phiên Tòa:
-                     Theo quy định tại khoản 3, 4, 5 Điều 51 của BLTTHS, nếu coi ông Lê Xuân Trường là “người bị hại” trong vụ án thì bắt buộc ông Trường phải có mặt tham gia tố tụng tại phiên Tòa để trình bày “lời buộc tội”. Chỉ trong trường hợp “Người bị hại chết thì người đại diện hợp pháp của họ có những quyền quy định tại Điều này” (khoản 5 Điều 51). Mà tại khoản 1 Điều 105 Bộ LTTHS quy định: “Người đại diện hợp pháp của người bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất”. Tóm lại, ông Trường đều không thuộc cả hai trường hợp nêu trên, nên ông Trường đã có “Đơn yêu cầu khởi tố vụ án hình sự” thì ông Trường bắt buộc phải có mặt tại phiên Tòa. Điều 122 BHS là một tội danh được “khởi tố theo yêu cầu của người bị hại” nên phải có yêu cầu của người bị hại. Việc vắng mặt của ông Lê Xuân Trường tại Phiên tòa là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, cụ thể là vi phạm nghiêm trọng khoản 1 Điều 51 BLTTHS.
5.                  Về lời khai của ông Lê Xuân Trường trong hồ sơ vụ án:
-                     Trong hồ sơ vụ án không có bất cứ một lời khai, biên bản làm việc, biên bản tiếp nhận Đơn nào của ông Trường với tư cách là “Người bị hại” trong vụ án. Như vậy, có thể hiểu rằng CQCSĐT chưa một lần nào gặp ông Trường để tham gia lấy lời khai của ông Trường trong suốt quá trình điều tra theo Luật định. Có thể khẳng định, CQCSĐT không có bất kỳ một tài liệu, chứng cứ nào để xác định ông Trường là “Người bị hại” thì ông Trường không thể là “Người bị hại” trong vụ án. Thế nhưng, bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Từ Liêm vẫn coi ông Trường là “ Người bị hại” trong vụ án, đây là một sự vi phạm nghiêm trọng pháp luật trong vụ án hình sự.
6.                  Về hình thức “ Đơn yêu cầu khởi tố vụ án hình sự” đề ngày 8/5/2011 nhân danh ông Lê Xuân Trường:
-                     Phần giới thiệu tên, tuổi, địa chỉ, các thông tin nhân thân của ông Lê Xuân Trường chỉ nêu họ, tên của ông Trường và chức danh “Bí thư huyện ủy Từ Liêm, Hà Nội”. Phía dưới đơn xuất hiện một chữ ký với hàng chữ đánh máy “Lê Xuân Trường” phía dưới chữ ký. Ngoài chữ ký này ra trong hồ sơ vụ án không có bất cứ một thông tin nhân thân hay một chữ ký nào khác của ông Trường (Đơn yêu cầu được gửi qua đường công văn hoặc bưu điện nên việc tiếp nhận đơn không có biên bản), thì chưa có căn cứ pháp luật để khẳng định rằng chữ ký trong đơn nêu trên là của ông Trường. Việc một người tự yêu cầu khởi tố vụ án hình sự mà không nêu các thông tin cá nhân nhưng lại nhân danh “chức vụ” của mình là thể hiện việc lạm quyền, trái với quy định của pháp luật về “Người bị hại” trong một vụ án hình sự.
7.         Về nội dung “Đơn yêu cầu khởi tố vụ án hình sự”
-           Trong nội dung Đơn đề ngày 8/5/2011, ông Trường nêu: “Việc những người ký tên trong đơn tố cáo là vu khống ...”. Như vậy, ngay trong đơn này, về mặt ý thức chủ quan cũng như khách quan, ông Trường cũng nhận thức được rằng chỉ những người ký tên và đơn tố cáo ông mới chịu trách nhiệm để xem xét, không có yêu cầu CQCSĐT khởi tố chúng tôi, nhưng CQCSĐT, với hồ sơ không lời khai cùng yêu cầu của người bị hại và kết quả điều tra đối với ông Trường, vẫn tiến hành khởi tố và ra lệnh bắt khẩn cấp, tạm giam đối với chúng tôi kèm theo đó là sự phê chuẩn của VKSND huyện Từ Liêm. Vụ án này được khởi tố “theo yêu cầu của người bị hại” mà người bị hại lại không có yêu cầu khởi tố đối với cá nhân chúng tôi là vi phạm nghiêm trọng pháp luật.
8.                  Về lời khai của ông Bạch Đăng Tân “Người được ủy quyền”:
-                     Tại bút lục số 428, ông Tân khai: “Ngày 9/5/2011, chúng tôi được đồng chí Lê Xuân Trường bí thư huyện ủy Từ Liêm ủy quyền cho chúng tôi viết đơn yêu cầu khởi tố vụ án hình sự theo quy định của pháp luật. Bản thân chúng tôi đã viết đơn yêu cầu khởi tố vụ án và chuyển cho cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Từ Liêm để điều tra theo thẩm quyền…”. Trong hồ sơ vụ án cho đến ngày xét xử không tìm thấy bất cứ một lá “Đơn yêu cầu khởi tố vụ án hình sự” nào của ông Tân như ông đã khẳng định tại CQCSĐT. Như vậy, rõ ràng có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ vụ án của các cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm như thêm hoặc bớt tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án. Tại phiên Tòa sơ thẩm ngày 16/11/2011, bà Nguyễn Thúy Diệp  đại diện VKSND huyện Từ Liêm và ông Lại Tiến Trung – Chủ Tọa phiên Tòa đã khẳng định công khai rằng: Không có lá đơn này của ông Bạch Đăng Tân trong hồ sơ vụ án. Đây là một dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng của các cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm bởi lẽ chính ông Tân đã khai tại CQCSĐT rằng ông ta đã chuyển đơn cho CQCSĐT huyện Từ Liêm, tức là đã chuyển cho chính cơ quan đã ghi lời khai của ông Bạch Đăng Tân.
-                     Cũng tại bút lục số 428, ông Bạch Đăng Tân khai: “Ngày 10/5/2011, ba ngành nội chính của huyện Từ Liêm đã họp và thống nhất quan điểm xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các đối tượng đã nói xấu cán bộ, vu khống cá nhân ông Trường…”. Như vậy, nếu có sự việc như ông Tân khai thì rõ ràng vụ án không được điều tra, truy tố và xét xử một cách độc lập như quy định tại Hiến Pháp của Nhà nước mà có sự chỉ đạo, can thiệp của cơ quan “ba ngành nội chính”. Lời khai này của ông Tân là có cơ sở và diễn ra biện chứng suốt trong quá trình điều tra truy tố buộc tội chúng chúng tôi, nhưng vấn đề này chưa được Tòa án cấp sơ thẩm thẩm vấn ông Tân để làm rõ qua đó xác định có hay không cuộc họp nêu trên, đảm bảo một vụ án được xét xử công bằng, khách quan, vô tư theo quy định của pháp luật.
9.                  Về bức “Thư xin lỗi và rút đơn” đề ngày 12/5/2011.
-                     Chúng tôi khẳng định bức Thư xin lỗi và rút đơn nêu trên có chữ ký của chúng tôi, ông Hoàng Đình Trọng, ông Nguyễn Văn Khiết và ông Nguyễn Việt Dũng được diễn ra vào hồi 17 giờ chiều ngày 16/5/2011 tại phòng hỏi cung, nhà tạm giữ của Công an huyện Từ Liêm, do ông Trần Hoàng Tuấn là cán bộ điều tra Công an huyện Từ Liêm đưa cho chúng tôi và những người khác cùng ký với sự thuyết phục rằng ký vào để ông Trường “bớt giận” và sẽ được thả về nhà.
-                     Trong khi cả 4 người ký tên trong “Thư xin lỗi” này đều đã bị bắt tạm giữ từ ngày 13/5/2011. Bà Nguyễn Thị Mai Loan là người trực tiếp đi gửi bức thư trên cho một số cơ quan theo đường bưu điện, dưới sự hướng dẫn của ông Tuấn. CQCSĐT đã bỏ qua việc bà Loan chính là người đang bị tạm giữ tại Công an huyện Từ Liêm vào thời điểm ngày 12 và 13/05/2011 trong khi bút tích ký vào các giấy tờ chuyển phát nhanh của bưu điện lại chính là của bà Loan được gửi đi vào ngày 18/5/2011, thời điểm cả 4 chúng chúng tôi đang bị tạm giữ. Ai là người đã đưa lá đơn này cho bà Loan? Bốn chữ ký này có phải của chúng chúng tôi hay không? Lá thư được ký trong hoàn cảnh nào? Ý chí của những người tham gia ký đơn? Và liệu bức thư ấy có đủ điều kiện để trở thành một chứng cứ quan trọng trong vụ án? … ?
-                     Tóm lại, bức “Thư xin lỗi và rút đơn” đề ngày 12/5/2011 không phải là do chúng chúng tôi soạn thảo vì trong nhà tạm giữ, tạm giam chúng chúng tôi không thể có máy tính và máy in để làm đơn, do vậy thư này không phải là ý chí và mong muốn của chúng chúng tôi mà là sự sắp đặt của ông Trần Hoàng Tuấn trong một hoàn cảnh mà chúng chúng tôi không có sự lựa chọn nào tốt hơn. Tại phiên Tòa, chúng tôi và ông Hoàng Đình Trọng, ông Nguyễn Văn Khiết, ông Nguyễn Việt Dũng và bà Nguyễn Thị Mai Loan đều cùng khẳng định việc này, đề nghị trả hồ sơ về CQCSĐT để làm rõ nhưng không được Hội đồng xét xử sơ thẩm chấp nhận.
10.       Về việc “bắt người trong trường hợp khẩn cấp” và “ khám xét khẩn cấp” đối với chúng tôi:
-                     Bắt người trong trường hợp khẩn cấp”: CQCSĐT đã tiến hành bắt khẩn cấp chúng tôi vào ngày 13/5/2011 là hoàn toàn trái với các điểm a, b, c, khoản 1 Điều 81 BLTTHS. Tại phiên Tòa sơ thẩm, đại diện VKSND huyện Từ Liêm cho rằng “bắt người trong trường hợp khẩn cấp” đối với chúng tôi và ông Hoàng Đình Trọng là áp dụng điểm c, khoản 1 Điều 81 BLTTHS nhưng lại không đưa ra được bất cứ tài liệu, chứng cứ nào để chứng minh cho việc “bắt khẩn cấp” chúng tôi là đúng với quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 81 BTTHS.
-                     Khám xét khẩn cấp”: Pháp luật chỉ quy định CQCSĐT được khám xét      “nơi ở” và “nơi làm việc”, nhưng CQCSĐT Công an huyện Từ Liêm lại khám xét  cả “Văn phòng Công chứng Mỹ Đình” là trái với quy định của pháp luật.
11.              Về việc chiếm đất công làm nhà ở trong đơn tố cáo của 13 người dân tại Phú Mỹ:
-                     Tại Bản kết luận Điều tra số 297/KLĐT ngày 8/8/2011 của CQCSĐT và tại bản Cáo trạng số 334/QĐ-KSĐT ngày 26/9/2011của VKSND huyện Từ Liêm đều đã khẳng định căn nhà chiếm trái pháp luật mà 13 người dân tố cáo gửi tới các cơ quan chức năng là đúng sự thật nhưng các cơ quan chức năng tại Từ Liêm lại “không xác định được” ai là đối tượng chiếm và xây cất ngôi nhà trên. Đây là một điều hết sức vô lý và đương nhiên trong trường hợp chưa xác định được ai là người xây nhà, chiếm đất trái pháp luật thì chưa thể khẳng định được những người dân ký đơn tố cáo là “vu khống” ông Trường.
-                     Sau khi đơn tố cáo của 13 người dân tại Phú Mỹ được gửi đi thì chính quyền địa phương tại huyện Từ Liêm đã buộc phải tiến hành cưỡng chế, phá dỡ căn nhà chiếm trên đất công của nhà nước và lập biên bản vi phạm hành chính nhau ghi là “nhà vô chủ”, trả lại khuôn viên, mặt bằng cho nhà nước. Những người tố cáo và cả người không tố cáo (là chúng tôi)lại phải chịu trách nhiệm hình sự, tù đày còn những kẻ chiếm đất thoát tội. Đây là một việc làm hết sức không bình thường và vô cùng oan sai của các cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm, xâm phạm trực tiếp đến quyền lợi chính đáng và hợp pháp của chúng tôi.
12.              Về việc thụ lý “Đơn tố cáo” của 13 người dân Phú Mỹ: Theo quy định tại Luật khiếu nại, tố cáo thì cơ quan cảnh sát điều tra không phải là cơ quan có chức năng giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của người tố cáo, mà khi nhận được đơn tố cáo của người tố cáo, nếu xét thấy không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì cơ quan điều tra phải chuyển Đơn thư khiếu nại, tố cáo đến các cơ quan có chức năng giải quyết theo trình tự Luật khiếu nại, tố cáo đã quy định. Người tố cáo không phải xuất trình chứng cứ cho việc mình tố cáo mà  ngược lại, người bị tố cáo (ông Lê Xuân Trường) phải có nghĩa vụ giải trình về nội dung mà mình bị tố cáo. Việc các cơ quan chức năng tại huyện Từ Liêm ngay khi nhận được đơn tố cáo đã “đưa ngay” cho ông Lê Xuân Trường (là người bị tố cáo) đọc như trong “Đơn yêu cầu khởi tố vụ án hình sự” của ông Trương nêu là hoàn toàn trái với các quy định của Luật khiếu nại, tố cáo về việc giữ bí mật, danh tính cho người tố cáo. Vấn đề này, các Luật sư bào chữa cho chúng tôi tại phiên Tòa sơ thẩm đề nghị làm rõ nhưng vẫn không được Hội đồng xét xử xem xét.
13.              Về việc thay đổi căn cứ khởi tố vụ án:
-                     Tại phần tuyên án ngày 21/11/2011, Tòa án Cấp sơ thẩm đã đột ngột thay đổi căn cứ để CQCSĐT Công an huyện Từ Liêm khởi tố vụ án nêu trên là các Điều 103 BLTTHS quy định về “Nhiệm vụ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố”, Điều 126 BLTTHS quy định về “Khởi tố bị can” và Điều 154 BLTTHS quy định về “Biên bản khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, xem xét dấu vết trên thânn thể và thực nghiệm điều tra”.
-                     Trong khi Điều 122 Bộ Luật Hình sự là một tội danh được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại (Điều 105 Bộ Luật tố tụng hình sự). Việc Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm tự vận dụng căn cứ khởi tố vụ án như Bản án sơ thẩm đã tuyên là hoàn toàn trái với quy định của pháp luật. Mặt khác, nếu coi “Đơn tố cáo” của 13 người dân Phú Mỹ là một nguồn tin tố giác tội phạm thì CQCSĐT Công an huyện Từ Liêm phải tiến hành khởi tố vụ án hình sự đối với người bị tố cáo ngay khi nhận được đơn tố cáo của 13 người dân Phú Mỹ.
-                     Hầu hết các Luật sư bào chữa trong vụ án này đều đặt dấu hỏi nghi vấn về việc thay đổi này của Hội đồng xét xử sơ thẩm là nhằm hợp pháp hóa việc khởi tố, bắt giam trái pháp luật của CQCSĐT và truy tố cấp sơ thẩm, vì dù coi “Đơn tố cáo” là “Đơn tố giác” thì việc khởi tố như vậy cũng là khởi tố ngược vì “Đơn tố giác” của 13 người dân đến trước và có căn cứ là đất công bị chiếm, thứ tự điều tra xác minh tội phạm phải tuân theo thứ tự trước sau, tại sao ông Trường không bị điều tra, khai báo về nội dung mình bị tố cáo, còn 13 người dân có công và những người không liên quan thì bị tù đầy, khởi tố, buộc tội? Trước pháp luật ông Trường là một công dân, tại sao lại ưu tiên để công dân là Bí thư huyện ủy chen trước 13 người dân tố cáo? Ông Trường có đặc quyền tự nhận mình là người liêm khiết nên không phải trải qua quy trình điều tra của Cơ quan công an không? Tại sao ông Trường, với cương vị của mình không chỉ đạo CQCSĐ xác minh làm rõ những kẻ chiếm đất của Nhà nước để minh oan cho bản thân mình? Vụ án có được xét xử khách quan không khi ông Trường vẫn đang là người lãnh đạo Đảng cao nhất ở Huyện Từ Liêm? Có hay không việc 4 cơ quan đã tiết lộ thông tin về người tố cáo? …?
-                     Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm còn áp dụng điểm d, khoản 2 Điều 122 BLHS coi ông Trường là “Người thi hành công vụ” trong khi không đưa ra bất kỳ một căn cứ pháp luật nào để xác định ông Trường là “người thi hành công vụ”. Bản án còn phân tích và cho rằng chúng chúng tôi biết ông Trường là Bí thư huyện ủy và vì Bí thư là người giữ nhiều trọng trách, chức vụ cao nhất của huyện Từ Liêm nên ông Trường là “Người thi hành công vụ”. Thực chất, chức danh: “Bí thư huyện ủy” là chức danh được phân công lãnh đạo những Đảng viên trực thuộc huyện ủy, bản thân huyện ủy không phải là cơ quan quản lý nhà nước, không liên quan gì đến việc “thi hành công vụ” như cáo trạng của VKS và Hội động xét xử TAND huyện Từ Liêm nêu, đây cũng là dấu hiệu cố ý làm tăng hình phạt trái các quy định pháp luật.

Với hàng loạt các vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong suốt quá trình điều tra, truy tố và xét xử cấp sơ thẩm, với việc các cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm không đưa ra bất cứ chứng cứ, tài liệu, quy định của Điều Luật nào để chứng minh chúng tôi phạm tội “vu khống” nhưng án sơ thẩm vẫn tuyên chúng tôi phạm tội “vu khống” là ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của chúng tôi. Bản án sơ thẩm hoàn toàn khiên cưỡng, thiếu khách quan và trái pháp luật, việc quyết định tại Bản án hoàn toàn không dựa trên kết quả tranh luận, đối đáp công khai giữa các Luật sư bào chữa, bị cáo và đại diện VKS.

Hàng loạt  các vi phạm nghiêm trọng trong điều tra, truy tố cấp sơ thẩm được các Luật sư đưa ra không được đại diện VKS huyện Từ Liêm tranh luận, làm rõ, thậm chí có nhiều tài liệu trong hồ sơ vụ án,  nhiều tình tiết mà chính đại diện VKS huyện Từ Liêm đã buộc phải thừa nhận tại phiên Tòa là không có trong hồ sơ và do sai sót như việc đại diện VKS huyện Từ Liêm thừa nhận không có ủy quyền của  ông Trường cho ông Tân, không biết hồ sơ vụ án có tổng số bao nhiêu bút lục khi giao hồ sơ cho Tòa án Nhân dân huyện Từ Liêm, có một số người không được phân công tiến hành tham gia tố tụng những đã trực tiếp khám, bắt, tham gia lấy lời khai, ký tên vào văn bản tố tụng, việc khám Văn phòng công chứng và Văn phòng luật sư, …là có sai sót.

Mặt khác tại phiên Tòa sơ thẩm, toàn bộ lời khai của rất nhiều người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong hồ sơ vụ án đều khai hoàn toàn mâu thuẫn, thậm chí là tình tiết mới, khác hoàn toàn với các lời khai của chính họ có trong hồ sơ vụ án như lời khai của anh Nguyễn Thành Đạt, anh Nguyễn Văn Khiết, chị Nguyễn Thị Mai Loan, anh Nguyễn Việt Dũng, nhưng đều không được Hội đồng xét xử xem xét. Lý do mà Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm đưa ra là các bị cáo và những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án không đưa ra được những chứng cứ nào để chứng minh cho mình tại phiên Tòa, trong khi pháp luật quy định việc chứng minh tội phạm và làm rõ các vấn đề trong một vụ án hình sự là trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng. Việc người tham gia tố tụng phải tự mình đưa ra chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình chỉ xuất hiện trong vụ án Dân sự theo quy định tại Bộ Luật Tố tụng dân sự chứ không phải trong vụ án Hình sự. 

Với hàng loạt những tình tiết chưa được làm rõ tại phiên Tòa, với hàng loạt những vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng như vậy, với trên 10 Luật sư bào chữa đều cùng đồng thuận quan điểm đề nghị Hội đồng xét xử sơ thẩm trả hồ sơ cho cơ quan điều tra để điều tra làm rõ hoặc tuyên các bị cáo không phạm tội nhưng đều không được Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm chấp nhận.

Hiện nay, Đảng và Nhà nước đang khuyến khích, biểu dương mọi công dân mạnh dạn tố cáo với mục đích phòng chống tham nhũng, Quốc hội đang họp và xem xét cơ chế bảo vệ người tố cáo tránh bị trả thù. Tuy nhiên, trong vụ án này, chính những người dân tố cáo và chúng tôi đang có dấu hiệu bị trả thù.

Bản án sơ thẩm của TAND huyện Từ Liêm đã tuyên chúng tôi phạm tội “Vu khống” và tuyên mức hình phạt 15 tháng tù giam và 12 tháng tù giam đối với chúng tôi là hoàn toàn oan, sai, trái pháp luật. Từ những phân tích và viện dẫn trên đây, chúng tôi làm đơn này kính đề nghị quý Ông, quý cơ quan xem xét lại toàn bộ quá trình tố tụng và Bản án sơ thẩm nêu trên của TAND huyện Từ Liêm, nhằm giải oan cho chúng tôi vì chúng tôi không phạm tội “vu khống” như bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Từ Liêm, Hà Nội ngày 21/11/2011 đã tuyên đối với chúng tôi.

Chúng tôi xin chân thành cảm ơn!

                                                                                   NHỮNG NGƯỜI LÀM ĐƠN                                     
                                                                                                                            

                       Ngô Quang Anh                                      Hoàng Đình Trọng