Thứ Tư, 14 tháng 3, 2012

Vụ án vu khống Bí thư huyện ủy, dành một tuần nghị án

Sau một ngày xét xử phúc thẩm vụ án vu khống Bí thư huyện ủy Từ Liêm, Hà Nội, chủ tòa phiên tòa tuyên bố: Do tính chất phức tạp của vụ án, HĐXX sẽ nghị án trong nhiều ngày. Dự kiến đến ngày 21.3, bản án phúc thẩm sẽ được tuyên.
Các bị cáo trong vụ án này là Ngô Quang Anh (SN 1971, nguyên là công chứng viên Văn phòng Công chứng Mỹ Đình), Hoàng Đình Trọng (SN 1970, nguyên là luật sư của Văn phòng luật sư PGVN) và Vũ Tiến Phùng (SN 1950, thôn Phú Mỹ, xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm) cùng bị truy tố về tội “vu khống”.
Trước đó vào tháng 11.2011, TAND huyện Từ Liêm đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án trên. Bị cáo Ngô Quang Anh 15 tháng tù, bị cáo Trọng 12 tháng tù, bị cáo Phùng bị phạt 6 tháng nhưng cho hưởng án treo. Do không đồng ý với phán quyết của tòa cấp sơ thẩm, 2 bị cáo Quang Anh và Hoàng Đình Trọng đã kháng án.
Bị cáo Quang Anh (người thấp) và bị cáo Trọng cho rằng bị truy tố oan.
Bị cáo Quang Anh (người thấp) và bị cáo Trọng cho rằng bị truy tố oan.
Theo tài liệu truy tố, vào khoảng tháng 3.2010, khi thấy ngôi nhà được xây dựng trái phép trên khuôn viên lô đất làm vườn hoa cây xanh của khu đất đấu giá thuộc thôn Phú Mỹ, xã Mỹ Đình, bị cáo Phùng đã nhờ Quang Anh viết đơn kêu cứu. Quang Anh đồng ý.

Soạn thảo đơn xong, Quang Anh đưa cho bị cáo Phùng và những người sống xung quanh cùng ký, gửi đi các cơ quan chức năng để giải quyết. Cuối tháng 4.2011, không thấy chính quyền sở tại trả lời đơn, Quang Anh đến văn phòng luật sư PGVN của bị cáo Trọng và nhờ một nhân viên tại đây đánh máy đơn tố cáo. Trong đơn, có nội dung tố cáo: “Bí thư huyện ủy Từ Liêm lợi dụng chức vụ quyền hạn… tổ chức băng nhóm giang hồ, bảo kê cướp đất”. Trong đơn này còn đề nghị đưa Bí thư huyện ủy Từ Liêm cùng 1 số người khác ra trước “ánh sáng pháp luật, truy cứu trách nhiệm hình sự”.

Sau đó, bị cáo Quang Anh nhờ bị cáo Trọng chỉnh sửa, bỏ đi một số từ thiếu văn hóa. Tờ đơn được in ra và đưa cho bị cáo Phùng để lấy chữ ký của người dân sống quanh đó. Bị cáo Phùng cầm 20 lá đơn đưa cho 13 người ký.
Những lá đơn này sau đó được đóng dấu giáp lai và dấu treo bằng con dấu của văn phòng luật sư PGVN rồi gửi đi 8 cơ quan khác nhau như: Thành ủy Hà Nội, HĐND TP Hà Nội, HĐND huyện Từ Liêm… (gửi kèm ảnh chụp ngôi nhà xây dựng trái phép và tờ phô tô bản đồ thửa đất thể hiện dự án vườn hoa, cây xanh).

Tại phiên tòa phúc thẩm, cả 2 bị cáo Quang Anh và Hoàng Đình Trọng vẫn tiếp tục cho rằng mình bị oan. Bởi bản thân cả 2 không ký vào đơn tố cáo Bí thư huyện ủy. Bị cáo Quanh Anh nói có soạn đơn kêu cứu với nội dung tố cáo nhóm người cướp đất, dùng vũ lực đe dọa người dân, đồng thời còn xây dựng nhà trái phép.
Đối với bị cáo Trọng, cũng cho rằng mình không ký vào đơn tố cáo. Bị cáo này nhận có việc sửa chữa “bỏ đi những từ ngữ thô tục, thiếu văn hoá” trong lá đơn Quang Anh gửi qua hệ thống thư điện tử. Sau đó đóng dấu văn phòng luật sư vào lá đơn và phong bì, gửi đến cơ quan chức năng.
HĐXX cho rằng, các bị cáo không ký vào đơn, nhưng có việc chuyển tài liệu, đơn cho nhau, sau đó sửa chữa, đóng dấu và phát tán đi khắp nơi, như vậy đủ để cấu thành hành vi vu khống.
Đại diện Viện KS giữ quyền công tố tại tòa cho rằng việc hai bị cáo cãi không ký vào các lá đơn nên không phạm tội là hành vi ngoan cố; phiên phúc thẩm không có tình tiết nào mới, do vậy, đề nghị HĐXX bác đơn kháng cáo, y án sơ thẩm.
Lương Kết

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét