Thứ Năm, 15 tháng 3, 2012

Tòa phúc thẩm nghị án một tuần!

(PL&XH) - Tại phiên phúc thẩm ngày hôm qua 14-3, bị hại tiếp tục vắng mặt. Các luật sư đã đề nghị hoãn xử để triệu tập bị hại nhưng đại diện VKSND TP Hà Nội cho rằng, các bị cáo bị truy tố ở khoản 2 Điều 112 BLHS nên không cần thiết…

Không soạn đơn, không ký… không nên tội?

Ngô Quang Anh, Trưởng Văn phòng công chứng Mỹ Đình; Hoàng Đình Trọng, Trưởng Văn phòng luật sư PGVN và Vũ Tiến Phùng, trú tại xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm, Hà Nội, bị cáo buộc đã "đặt điều" đối với Bí thư huyện ủy Từ Liêm; phiên sơ thẩm ngày 16, 17 và 21-11-2011 của TAND huyện Từ Liêm tuyên phạt các bị cáo các mức án 6 tháng tù, và 15 tháng tù về tội "Vu khống". Về các sai phạm của cơ quan tố tụng huyện Từ Liêm trong quá trình điều tra vụ án này, tòa cấp sơ thẩm nhận định, Công an huyện Từ Liêm cần rút kinh nghiệm trong việc ban hành văn bản tố tụng, áp dụng các quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự.

Quang Anh, Trọng, kêu oan và kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Phiên phúc thẩm của TAND TP Hà Nội được mở vào hôm qua. Tại tòa, Quang Anh trình bày, hồ sơ vụ án có 2 đơn (đơn kêu cứu và đơn tố cáo khẩn cấp - có nội dung "tố" ông bí thư) và bị cáo chỉ biết lá đơn kêu cứu. Đơn này phản ánh việc vi phạm trật tự, lấn chiếm đất công của những kẻ đến nay vẫn chưa rõ tung tích. Kể từ khi đơn kêu cứu được gửi, rất lâu sau không thấy cơ quan chức năng lên tiếng, giải quyết nên  Quang Anh quyết định không theo đuổi vụ việc nữa; bị cáo đã nhờ Trọng (mối quan hệ bạn bè) giúp đỡ những người dân. Xung quanh vấn đề này, chủ tọa phiên tòa đã công bố bản bút lục, trong đó, Quang Anh nhận mình soạn thảo đơn: "Tôi tự soạn thảo và cho cậu nhân viên tên Đạt đánh máy rồi nhờ anh Trọng soạn thảo đơn giúp dân". Nguyên Trưởng Văn phòng công chứng Mỹ Đình khẳng định, mình soạn thảo đơn kêu cứu và 1 năm sau vụ việc, Quang Anh mới biết đến lá đơn tố cáo khẩn cấp. "Đơn tố cáo khẩn cấp, bị cáo không ký thì làm sao lại quy trách nhiệm về tội “Vu khống”?” - bị cáo Quang Anh "phản pháo".

Trong khi đó, bị cáo Trọng cũng quả quyết, không phải là tác giả của đơn tố cáo khẩn cấp nêu trên. Sau khi nhận được bản thô của đơn tố cáo khẩn cấp (Trọng khai, không biết ai gửi), Trọng chỉ lược bớt những từ ngữ dung tục... Trọng nói, không tiếp xúc với người dân, không biết ông Bí thư huyện ủy Từ Liêm thì làm sao lại "rơi" vào tội "Vu khống". Đại diện VKSND TP Hà Nội đặt câu hỏi về việc Văn phòng luật sư PGVN đóng dấu treo trên các bì thư gửi đi, Trọng cho hay, chưa bao giờ bị cáo phủ nhận điều này. Nguyên trưởng văn phòng luật sư cho rằng, mình kêu oan về bản chất của vụ án, còn lời khai từ trước tới giờ không thay đổi. Trọng khẳng định, soạn thảo đơn thư là nghĩa vụ, công việc của luật sư - một điều hết sức bình thường .

Tại phiên xử lần này, đại diện VKSND TP Hà Nội giữ quan điểm giống với VKSND huyện Từ Liêm và đề nghị HĐXX-TAND TP Hà Nội tuyên y án sơ thẩm.

Bị cáo Ngô Quang Anh và Hoàng Đình Trọng được tại ngoại chờ phán quyết cuối cùng.  Ảnh: Đỗ Phương

Luật sư bào chữa nói gì?

Ông Hoàng Huy Được, Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP Hà Nội, bào chữa cho Quang Anh, tỏ ra thất vọng vì các luật sư mổ xẻ từng chi tiết của vụ án nhưng đối đáp lại, đại diện VKSND TP Hà Nội chưa có những câu trả lời rõ ngọn ngành. Công tố viên phát biểu, giữ nguyên quan điểm và "ghi nhận" các ý kiến của luật sư. 

Phần tranh luận, luật sư Hoàng Ngọc Biên, Đoàn luật sư TP Hà Nội, bào chữa cho Quang Anh phân tích, đơn tố cáo khẩn cấp có chữ ký của 13 hộ dân là đơn tố cáo tập thể, có danh tính rõ ràng. Vì vậy, đơn này phải được giải quyết theo Luật Khiếu nại, tố cáo.  Nội dung đơn "tố" 2 đối tượng: Đối tượng bị tố cáo thứ nhất là "một số thanh niên lạ mặt đem theo dao, kiếm đến tháo dỡ bạt, chặt cây và xây dựng nhà trái phép trên diện tích đất là dự án vườn hoa cây xanh…". Lời tố này phản ánh việc thực tế và vì thế, UBND xã Mỹ Đình đã tổ chức phá bỏ, tháo dỡ ngôi nhà, trả lại mặt bằng. Đáng nói, trong khi những kẻ lạ mặt này không được làm rõ mà ông bí thư cho là "không bảo kê" và đề nghị các cơ quan tố tụng khởi tố vụ án để khởi tố những người tố cáo mình là trái với quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đối tượng thứ 2 được đề cập đến trong đơn thư tố cáo khẩn cấp là ông Bí thư huyện ủy Từ Liêm "đứng sau để bảo kê cho bọn cướp". Việc ông bí thư có hành vi liên quan đến việc "bảo kê" hay không thì phải được cơ quan có thẩm quyền kết luận. "Mối liên quan giữa ông bí thư và nhóm người này vẫn là ẩn số. Hơn nữa, các cơ quan tố tụng dùng từ "chủ đầu tư" đối với kẻ lấn chiếm đất công, xây dựng trái phép là không đúng. Đơn tố cáo có sự thật thì không thể coi là vu khống, bịa đặt" - ông Biên phát biểu.

Luật sư Được đồng quan điểm và đi sâu vào sự vắng mặt của bị hại tại tòa. Ông Được trình bày, ban đầu, vụ án được khởi tố theo yêu cầu của bị hại và cáo trạng của VKSND huyện Từ Liêm khẳng định rõ điều này. Căn cứ vào Điều 51 BLTTHS, người bị hại phải có mặt tại tòa, phải trình bày vụ việc. Nhưng giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử, ông bí thư không có mặt; việc ông ủy quyền cho ông Bạch Đăng Tân, Chánh Văn phòng huyện ủy Từ Liêm lại không hợp pháp (giấy ủy quyền không có công chứng). Như lời luật sư Được, trường hợp này là tố cáo cá nhân ông bí thư nên không thể lấy chức vụ Bí thư huyện ủy Từ Liêm để ủy quyền cho Chánh Văn phòng huyện ủy Từ Liêm. Thế nên, CQĐT lấy lời khai của ông Tân là không đúng.

Ngoài ra, lá thư xin lỗi (được đánh máy, đề ngày 12-5-2011; nói về việc xin lỗi ông bí thư của Quang Anh, Trọng), trong đó có chữ ký của Quang Anh, Trọng - đây được coi là một trong số những căn cứ để buộc tội 2 bị cáo - cũng được các luật sư "xoáy" sâu. Bị cáo Quang Anh khai, chiều 16-5-2011 (các bị cáo bị tạm giữ từ ngày 13-5-2011), cán bộ điều tra - Công an huyện Từ Liêm mang một bức thư đánh máy vào nhà tạm giữ gặp bị cáo Trọng, ông Nguyễn Văn Khiết, Nguyễn Việt Dũng - đều đang bị tạm giữ tại nhà tạm giữ của Công an huyện Từ Liêm, thuyết phục ký vào lá thư này để ông bí thư "bớt giận". Luật sư Được cho hay, bút tích ký vào các giấy tờ chuyển phát nhanh này là của bà Nguyễn Thị Mai Loan, vợ của ông Nguyễn Văn Khiết; gửi vào ngày 18-5-2011 và ngày 20-5-2011, Công an huyện Từ Liêm nhận được lá thư. Luật sư thắc mắc, nơi tạm giữ không có máy tính, các bị cáo soạn thư bằng cách nào? Nếu coi, có "vu khống" mới xin lỗi và lấy lá thư "bất minh" trên để buộc tội là sự suy diễn bất lợi cho bị cáo.

Trong khi đó, luật sư Trịnh Anh Dũng, bào chữa cho Trọng, chỉ rõ, ông bí thư không phải là người thi hành công vụ. Bởi, người thi hành công vụ phải là người trong cơ quan Nhà nước (không phải cơ quan Đảng). Do đó, đại diện VKSND TP Hà Nội cho rằng, là bí thư thì mặc nhiên là người thi hành công vụ thì không chính xác. Đây cũng là lý do ông Dũng khẳng định, không thể truy cứu trách nhiệm đối với các bị cáo ở điểm đ (đối với người thi hành công vụ) Điều 122 (tội "Vu khống") BLHS.

Nói lời sau cùng trước khi tòa tuyên án, Trọng và Quang Anh một mực kêu oan. Sau khi nghỉ nghị án, tòa quyết định kéo dài thêm thời gian nghị án và sẽ ra phán quyết vào ngày 21-3-2012.

Đỗ Phương
Nguồn : http://phapluatxahoi.vn/20120315101651689p1002c1019/toa-phuc-tham-nghi-an-mot-tuan.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét