Thứ Năm, 22 tháng 12, 2011

ĐƠN KÊU OAN KHẨN CẤP


CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

ĐƠN KÊU OAN KHẨN CẤP

                                                                                              Hà Nội ngày 08 tháng 12 năm 2011

Kính gửiÔng Chủ tịnh nước CHXHCN Việt Nam

Chúng tôi là:
Ngô Quang Anh – sinh năm 1971.
Nghề nghiệp: Công chứng viên – Trưởng Văn phòng Công chứng Mỹ Đình, thuộc Sở Tư pháp thành phố Hà Nội.
Hộ khẩu thường trú tại: Số 51/82, đường Phạm Ngọc Thạch, phường Quang Trung, quận Đống Đa, TP Hà Nội.
Nơi ở hiện nay: Số 51/82, đường Phạm Ngọc Thạch, phường Quang Trung, quận Đống Đa, TP Hà Nội.

Hoàng Đình Trọng – sinh năm 1971.
Nghề nghiệp: Luật sư - Trưởng Văn phòng Luật sư PGVN, thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.
Hộ khẩu thường trú tại: Tổ 42, cụm 7, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, TP Hà Nội.
Nơi ở hiện nay: Phòng 502, B4, Tập thể Giảng Võ, phường Giảng Võ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.

Chúng tôi làm đơn này kêu oan khẩn cấp tới quý Ông, quý cơ quan vì ngày 21 tháng 11 năm 2011, Tòa án nhân dân huyện Từ Liêm, Hà Nội đã xét xử và tuyên chúng tôi phạm tội “Vu khống” theo khoản 2, Điều 122 Bộ Luật Hình sự và tuyên phạt chúng tôi mức án 15 tháng tù giam và 12 tháng tù giam là hoàn toàn oan sai, không đúng người, không đúng tội, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của chúng tôi theo quy định của pháp luật. Quá trình khởi tố, truy tố, xét xử của ba cơ quan tiến hành tố tụng huyện Từ Liêm trong vụ án này hoàn toàn trái với quy định của pháp luật. Kính đề nghị quý Ông, quý cơ quan xem xét toàn bộ nội dung vụ án và có ý kiến can thiệp nhằm giải oan cho chúng tôi. Nội dung cụ thể như sau:
1.                  Đối với công chứng viên Ngô Quang Anh:
-                     Tôi khẳng định, tôi không phải là người chứng kiến việc lập, ký lá Đơn tố cáo khẩn cấp và không vận động 13 người dân tố cáo ông Lê Xuân Trường, Bí thư huyện ủy Từ Liêm. Bằng việc không có chữ ký thể hiện ý chí của mình, căn cứ theo Luật khiếu nại tố cáo, Tôi không thể trở thành người tố cáo ông Trường và đương nhiên Tôi không phải là người thực hiện hành vi phạm tội “vu khống”, nếu có việc vu khống xảy ra của ai đó đối với ông Trường. Điều 122 BTTHS đã quy định : “Người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền…”. Như vậy, Tôi không ký tên mình vào đơn tố cáo ông Trường thì trước pháp luật, đương nhiên Tôi không phải chịu bất kỳ một trách nhiệm hình sự nào. Tôi không có bất cứ hành vi nào “bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt…” đối với ông Trường nên không có hành vi nào phạm tội “Vu khống”.
-                     Điều 122 BLTTHS chỉ coi người nào “bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền…”. Về mặt ý chí của Tôi, nếu muốn tố cáo ông Trường thì bắt buộc phải thể hiện ý chí ấy thông qua việc tự tay ký tên mình vào trong đơn tố cáo ông Trường hay nói cách khác nếu xét về mặt “chủ thể, khách thể, chủ quan, khách quan” thì Tôi hoàn toàn không có bất cứ dấu hiệu nào liên quan đến việc cấu thành tội danh “ vu khống”.
-                     CQCSĐT không hề có bất cứ một bằng chứng gì về việc Tôi có liên quan đến việc tố cáo của 13 người dân ngoài những lời khai mâu thuẫn, không có đối chất, hoặc đối chất không thống nhất của một số người không tham gia ký đơn (những lời khai này đã bị chính người khai phủ nhận tại Phiên Tòa sơ thẩm). Thời gian, địa điểm Tôi soạn thảo Đơn kêu cứu hay Đơn tố cáo không cụ thể, rất mâu thuẫn, không có bằng chứng, chủ yếu dựa trên sự suy diễn bất lợi nhằm buộc tội Tôi trái với quy định tại BLTTHS.
-                     Trong suốt quá trình tố tụng và tại Bản án sơ thẩm, Hội đồng xét xử trong phần nhận định đã nêu “Mặc dù không biết rõ ông Lê Xuân Trường – Bí thư huyện ủy là ai, cũng không có căn cứ gì chứng minh ông Trường là người bảo kê …”. Bằng nhận định này đã thể hiện, chính Hội đồng xét xử sơ thẩm đã công nhận rằng không ai trong chúng tôi “biết rõ” về ông Trường, và như vậy là không đủ yếu tố cấu thành Điều 122, hay nói cách khác là không có dấu hiệu phạm tội. Còn việc không có “căn cứ gì chứng minh” không phải là yếu tố để cấu thành tội vu khống, người tố cáo không có nghĩa vụ phải “có căn cứ gì chứng mình”  về nội dung mình tố cáo (khoản 2, điều 57, Luật khiếu nại tố cáo) mà nghĩa vụ này là nghĩa vụ của người bị tố cáo được quy định tại khoản 2 Điều 58, LKNTC. “Sự thật” về những kẻ chiếm đất là một lỗ hổng trong vụ án này, CQCSĐT đã không hiểu tại sao lại không tìm ra, và đây là nghĩa vụ cần phải chứng minh của người bị tố cáo và CQCSĐT huyện Từ Liêm!
-                     Cho đến hôm nay, mặc dù kẻ chiếm đất được coi là mất tích, Tôi và nhân viên VPCC Mỹ Đình vẫn đang bị nhóm người chiếm đất quấy phá, đe dọa. Cụ thể là khoảng 11h30 đêm ngày 21/11/2011, ông Hoàng Ngọc Sơn là dân ở gần Văn phòng Tôi đã phát hiện Văn phòng bị cậy cửa và có đấu hiệu bị đột nhập, chúng tôi đã kiểm tra nhưng chưa phát hiện được mất mát, động cơ của việc làm này rất khó hiểu và làm Tôi vô cùng hoang mang do sợ bị trả thù.  
2.                  Đối với Luật sư Hoàng Đình Trọng:
-                     Tôi khẳng định tôi không phải là người ký đơn tố cáo ông Lê Xuân Trường, Bí thư huyện ủy Từ Liêm, Hà Nội. Và một khi tôi không phải là người ký đơn tố cáo ông Trường thì đương nhiên tôi không phải là người thực hiện hành vi phạm tội “vu khống” nếu có việc vu khống xảy ra của ai đó đối với ông Lê Xuân Trường. Điều 122 Bộ Luật Hình sự đã quy định : “Người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền…”. Như vậy, tôi không ký tên mình vào đơn tố cáo ông Lê Xuân Trường thì trước pháp luật, đương nhiên tôi không phải chịu bất kỳ một trách nhiệm dân sự hay hình sự nào. tôi không có bất cứ hành vi nào “bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt…” đối với ông Trường nên tôi không có hành vi nào phạm tội “Vu khống”.
-                     Tôi sửa đơn tố cáo cho 13 người dân với động tác bỏ bớt đi những từ ngữ “thiếu văn hóa” trong đơn, việc làm này của tôi hoàn toàn không phạm vào điều cấm của Bộ luật Hình sự nói chung và tại Điều 122 Bộ Luật Hình sự nói riêng. Tại phiên Tòa, bà Nguyễn Thúy Diệp, đại diện VKSND huyện Từ Liêm trong phần luận tội đã lập luận với nội dung rằng: Do tôi khi sửa đơn cho dân vì nhìn thấy tên ông Trường đã có sẵn trong đơn, nhưng không có căn cứ gì về việc ông Trường “bảo kê” mà vẫn sửa nên tôi phạm tội “Vu khống” với vai trò đồng phạm. Hội đồng xét xử sơ thẩm cũng xác định việc tôi sửa đơn là về mặt hình thức đơn và bỏ bớt mấy từ thiếu văn hóa, nhưng lại vẫn tuyên Tôi phạm tội “Vu khống” với mức hình phạt 12 tháng tù giam. Bản thân Tôi là Luật sư, có chức năng soạn thảo đơn cho khách hàng, nhưng tôi không ký tên tôi vào đơn thì tại sao tôi lại phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc soạn thảo đó?. Một lá đơn đánh máy xong rồi bỏ trống, không có chữ ký của một người nào thì có giá trị pháp lý hay không? tôi không hiểu hội đồng xét xử Tòa án cấp sơ thẩm đã căn cứ vào quy định nào, Điều Luật nào để cho rằng vì tôi sửa đơn có nhìn thấy nội dung đơn thì tôi phải chịu trách nhiệm hình sự?
-                     Nhân viên của Văn phòng Luật sư PGVN do tôi làm Trưởng văn phòng đóng dấu giáp lai vào đơn và đóng dấu treo của Văn phòng Luật sư PGVN vào phong bì thư và gửi đơn, thư tới bưu điện là hoàn toàn không phạm vào điều 122 Bộ Luật Hình sự với tội danh “vu khống”. Con dấu của một pháp nhân được đóng giáp lai và dấu treo ngoài phong bì mà không có chữ ký của người đứng đầu pháp nhân đó thì đương nhiên hoàn toàn không có giá trị pháp lý.
-                     Điều 122 Bộ Luật Hình sự chỉ coi người nào “bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền…” thì mới phạm tội “Vu khống”. Về mặt ý chí của Tôi nếu muốn tố cáo ông Lê Xuân Trường thì bắt buộc phải thể hiện ý chí ấy thông qua việc tự tay ký tên mình vào trong đơn tố cáo ông Trường hay nói cách khác nếu xét về mặt “chủ thể, khách thể, chủ quan, khách quan” thì tôi hoàn toàn không có bất cứ dấu hiệu nào liên quan đến việc cấu thành tội danh “ vu khống”.
3.                  Về “ủy quyền”của ông Lê Xuân Trường cho ông Bạch Đăng Tân:
-           Tại “Đơn yêu cầu khởi tố vụ án hình sự” đề ngày 8/5/2011 của ông Trường gửi CQCSĐ Công an huyện Từ Liêm, phần cuối đơn ông có ghi thêm 22 từ: “Vì điều kiện công tác, chúng tôi ủy quyền cho ông Bạch Đăng Tân - Chánh Văn phòng tham gia tố tụng”. Như vậy, ngoài 22 từ đó ra, trong hồ sơ vụ án không có bất cứ một văn bản ủy quyền nào của ông Trường cho ông Tân như ông đã “nhắc” đến trong “đơn yêu cầu khởi tố vụ án hình sự” nêu trên, qua đó thể hiện ý thức lạm quyền, coi thường pháp luật của ông Trường – một người đang giữ chức vụ Bí thư huyện ủy Từ Liêm, Hà Nội.
-                     Tại phiên Tòa ngày 16/11/2011, bà Nguyễn Thúy Diệp đại diện VKSND huyện Từ Liêm và ông Lại Tiến Trung – Thẩm phán, chủ Tọa phiên Tòa đã công khai thừa nhận là trong hồ sơ vụ án “không có văn bản ủy quyền nào của ông Trường cho ông Tân”. Nhưng phần tuyên án, Hội đồng xét xử sơ thẩm vẫn mặc nhiên coi là có việc ủy quyền của ông Trường cho ông Tân. Từ đó Hội đồng xét xử sơ thẩm chấp nhận và công bố “lời buộc tội” của một người (ông Tân) không liên quan gì đến vụ án này. Đây là một vi phạm đặc biệt nghiêm trọng thủ tục tố tụng theo quy định tại BLTTHS
4.                  Về sự vắng mặt của ông Lê Xuân Trường tại phiên Tòa:
-                     Theo quy định tại khoản 3, 4, 5 Điều 51 của BLTTHS, nếu coi ông Lê Xuân Trường là “người bị hại” trong vụ án thì bắt buộc ông Trường phải có mặt tham gia tố tụng tại phiên Tòa để trình bày “lời buộc tội”. Chỉ trong trường hợp “Người bị hại chết thì người đại diện hợp pháp của họ có những quyền quy định tại Điều này” (khoản 5 Điều 51). Mà tại khoản 1 Điều 105 Bộ LTTHS quy định: “Người đại diện hợp pháp của người bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất”. Tóm lại, ông Trường đều không thuộc cả hai trường hợp nêu trên, nên ông Trường đã có “Đơn yêu cầu khởi tố vụ án hình sự” thì ông Trường bắt buộc phải có mặt tại phiên Tòa. Điều 122 BHS là một tội danh được “khởi tố theo yêu cầu của người bị hại” nên phải có yêu cầu của người bị hại. Việc vắng mặt của ông Lê Xuân Trường tại Phiên tòa là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, cụ thể là vi phạm nghiêm trọng khoản 1 Điều 51 BLTTHS.
5.                  Về lời khai của ông Lê Xuân Trường trong hồ sơ vụ án:
-                     Trong hồ sơ vụ án không có bất cứ một lời khai, biên bản làm việc, biên bản tiếp nhận Đơn nào của ông Trường với tư cách là “Người bị hại” trong vụ án. Như vậy, có thể hiểu rằng CQCSĐT chưa một lần nào gặp ông Trường để tham gia lấy lời khai của ông Trường trong suốt quá trình điều tra theo Luật định. Có thể khẳng định, CQCSĐT không có bất kỳ một tài liệu, chứng cứ nào để xác định ông Trường là “Người bị hại” thì ông Trường không thể là “Người bị hại” trong vụ án. Thế nhưng, bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Từ Liêm vẫn coi ông Trường là “ Người bị hại” trong vụ án, đây là một sự vi phạm nghiêm trọng pháp luật trong vụ án hình sự.
6.                  Về hình thức “ Đơn yêu cầu khởi tố vụ án hình sự” đề ngày 8/5/2011 nhân danh ông Lê Xuân Trường:
-                     Phần giới thiệu tên, tuổi, địa chỉ, các thông tin nhân thân của ông Lê Xuân Trường chỉ nêu họ, tên của ông Trường và chức danh “Bí thư huyện ủy Từ Liêm, Hà Nội”. Phía dưới đơn xuất hiện một chữ ký với hàng chữ đánh máy “Lê Xuân Trường” phía dưới chữ ký. Ngoài chữ ký này ra trong hồ sơ vụ án không có bất cứ một thông tin nhân thân hay một chữ ký nào khác của ông Trường (Đơn yêu cầu được gửi qua đường công văn hoặc bưu điện nên việc tiếp nhận đơn không có biên bản), thì chưa có căn cứ pháp luật để khẳng định rằng chữ ký trong đơn nêu trên là của ông Trường. Việc một người tự yêu cầu khởi tố vụ án hình sự mà không nêu các thông tin cá nhân nhưng lại nhân danh “chức vụ” của mình là thể hiện việc lạm quyền, trái với quy định của pháp luật về “Người bị hại” trong một vụ án hình sự.
7.         Về nội dung “Đơn yêu cầu khởi tố vụ án hình sự”
-           Trong nội dung Đơn đề ngày 8/5/2011, ông Trường nêu: “Việc những người ký tên trong đơn tố cáo là vu khống ...”. Như vậy, ngay trong đơn này, về mặt ý thức chủ quan cũng như khách quan, ông Trường cũng nhận thức được rằng chỉ những người ký tên và đơn tố cáo ông mới chịu trách nhiệm để xem xét, không có yêu cầu CQCSĐT khởi tố chúng tôi, nhưng CQCSĐT, với hồ sơ không lời khai cùng yêu cầu của người bị hại và kết quả điều tra đối với ông Trường, vẫn tiến hành khởi tố và ra lệnh bắt khẩn cấp, tạm giam đối với chúng tôi kèm theo đó là sự phê chuẩn của VKSND huyện Từ Liêm. Vụ án này được khởi tố “theo yêu cầu của người bị hại” mà người bị hại lại không có yêu cầu khởi tố đối với cá nhân chúng tôi là vi phạm nghiêm trọng pháp luật.
8.                  Về lời khai của ông Bạch Đăng Tân “Người được ủy quyền”:
-                     Tại bút lục số 428, ông Tân khai: “Ngày 9/5/2011, chúng tôi được đồng chí Lê Xuân Trường bí thư huyện ủy Từ Liêm ủy quyền cho chúng tôi viết đơn yêu cầu khởi tố vụ án hình sự theo quy định của pháp luật. Bản thân chúng tôi đã viết đơn yêu cầu khởi tố vụ án và chuyển cho cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Từ Liêm để điều tra theo thẩm quyền…”. Trong hồ sơ vụ án cho đến ngày xét xử không tìm thấy bất cứ một lá “Đơn yêu cầu khởi tố vụ án hình sự” nào của ông Tân như ông đã khẳng định tại CQCSĐT. Như vậy, rõ ràng có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ vụ án của các cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm như thêm hoặc bớt tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án. Tại phiên Tòa sơ thẩm ngày 16/11/2011, bà Nguyễn Thúy Diệp  đại diện VKSND huyện Từ Liêm và ông Lại Tiến Trung – Chủ Tọa phiên Tòa đã khẳng định công khai rằng: Không có lá đơn này của ông Bạch Đăng Tân trong hồ sơ vụ án. Đây là một dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng của các cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm bởi lẽ chính ông Tân đã khai tại CQCSĐT rằng ông ta đã chuyển đơn cho CQCSĐT huyện Từ Liêm, tức là đã chuyển cho chính cơ quan đã ghi lời khai của ông Bạch Đăng Tân.
-                     Cũng tại bút lục số 428, ông Bạch Đăng Tân khai: “Ngày 10/5/2011, ba ngành nội chính của huyện Từ Liêm đã họp và thống nhất quan điểm xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các đối tượng đã nói xấu cán bộ, vu khống cá nhân ông Trường…”. Như vậy, nếu có sự việc như ông Tân khai thì rõ ràng vụ án không được điều tra, truy tố và xét xử một cách độc lập như quy định tại Hiến Pháp của Nhà nước mà có sự chỉ đạo, can thiệp của cơ quan “ba ngành nội chính”. Lời khai này của ông Tân là có cơ sở và diễn ra biện chứng suốt trong quá trình điều tra truy tố buộc tội chúng chúng tôi, nhưng vấn đề này chưa được Tòa án cấp sơ thẩm thẩm vấn ông Tân để làm rõ qua đó xác định có hay không cuộc họp nêu trên, đảm bảo một vụ án được xét xử công bằng, khách quan, vô tư theo quy định của pháp luật.
9.                  Về bức “Thư xin lỗi và rút đơn” đề ngày 12/5/2011.
-                     Chúng tôi khẳng định bức Thư xin lỗi và rút đơn nêu trên có chữ ký của chúng tôi, ông Hoàng Đình Trọng, ông Nguyễn Văn Khiết và ông Nguyễn Việt Dũng được diễn ra vào hồi 17 giờ chiều ngày 16/5/2011 tại phòng hỏi cung, nhà tạm giữ của Công an huyện Từ Liêm, do ông Trần Hoàng Tuấn là cán bộ điều tra Công an huyện Từ Liêm đưa cho chúng tôi và những người khác cùng ký với sự thuyết phục rằng ký vào để ông Trường “bớt giận” và sẽ được thả về nhà.
-                     Trong khi cả 4 người ký tên trong “Thư xin lỗi” này đều đã bị bắt tạm giữ từ ngày 13/5/2011. Bà Nguyễn Thị Mai Loan là người trực tiếp đi gửi bức thư trên cho một số cơ quan theo đường bưu điện, dưới sự hướng dẫn của ông Tuấn. CQCSĐT đã bỏ qua việc bà Loan chính là người đang bị tạm giữ tại Công an huyện Từ Liêm vào thời điểm ngày 12 và 13/05/2011 trong khi bút tích ký vào các giấy tờ chuyển phát nhanh của bưu điện lại chính là của bà Loan được gửi đi vào ngày 18/5/2011, thời điểm cả 4 chúng chúng tôi đang bị tạm giữ. Ai là người đã đưa lá đơn này cho bà Loan? Bốn chữ ký này có phải của chúng chúng tôi hay không? Lá thư được ký trong hoàn cảnh nào? Ý chí của những người tham gia ký đơn? Và liệu bức thư ấy có đủ điều kiện để trở thành một chứng cứ quan trọng trong vụ án? … ?
-                     Tóm lại, bức “Thư xin lỗi và rút đơn” đề ngày 12/5/2011 không phải là do chúng chúng tôi soạn thảo vì trong nhà tạm giữ, tạm giam chúng chúng tôi không thể có máy tính và máy in để làm đơn, do vậy thư này không phải là ý chí và mong muốn của chúng chúng tôi mà là sự sắp đặt của ông Trần Hoàng Tuấn trong một hoàn cảnh mà chúng chúng tôi không có sự lựa chọn nào tốt hơn. Tại phiên Tòa, chúng tôi và ông Hoàng Đình Trọng, ông Nguyễn Văn Khiết, ông Nguyễn Việt Dũng và bà Nguyễn Thị Mai Loan đều cùng khẳng định việc này, đề nghị trả hồ sơ về CQCSĐT để làm rõ nhưng không được Hội đồng xét xử sơ thẩm chấp nhận.
10.       Về việc “bắt người trong trường hợp khẩn cấp” và “ khám xét khẩn cấp” đối với chúng tôi:
-                     Bắt người trong trường hợp khẩn cấp”: CQCSĐT đã tiến hành bắt khẩn cấp chúng tôi vào ngày 13/5/2011 là hoàn toàn trái với các điểm a, b, c, khoản 1 Điều 81 BLTTHS. Tại phiên Tòa sơ thẩm, đại diện VKSND huyện Từ Liêm cho rằng “bắt người trong trường hợp khẩn cấp” đối với chúng tôi và ông Hoàng Đình Trọng là áp dụng điểm c, khoản 1 Điều 81 BLTTHS nhưng lại không đưa ra được bất cứ tài liệu, chứng cứ nào để chứng minh cho việc “bắt khẩn cấp” chúng tôi là đúng với quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 81 BTTHS.
-                     Khám xét khẩn cấp”: Pháp luật chỉ quy định CQCSĐT được khám xét      “nơi ở” và “nơi làm việc”, nhưng CQCSĐT Công an huyện Từ Liêm lại khám xét  cả “Văn phòng Công chứng Mỹ Đình” là trái với quy định của pháp luật.
11.              Về việc chiếm đất công làm nhà ở trong đơn tố cáo của 13 người dân tại Phú Mỹ:
-                     Tại Bản kết luận Điều tra số 297/KLĐT ngày 8/8/2011 của CQCSĐT và tại bản Cáo trạng số 334/QĐ-KSĐT ngày 26/9/2011của VKSND huyện Từ Liêm đều đã khẳng định căn nhà chiếm trái pháp luật mà 13 người dân tố cáo gửi tới các cơ quan chức năng là đúng sự thật nhưng các cơ quan chức năng tại Từ Liêm lại “không xác định được” ai là đối tượng chiếm và xây cất ngôi nhà trên. Đây là một điều hết sức vô lý và đương nhiên trong trường hợp chưa xác định được ai là người xây nhà, chiếm đất trái pháp luật thì chưa thể khẳng định được những người dân ký đơn tố cáo là “vu khống” ông Trường.
-                     Sau khi đơn tố cáo của 13 người dân tại Phú Mỹ được gửi đi thì chính quyền địa phương tại huyện Từ Liêm đã buộc phải tiến hành cưỡng chế, phá dỡ căn nhà chiếm trên đất công của nhà nước và lập biên bản vi phạm hành chính nhau ghi là “nhà vô chủ”, trả lại khuôn viên, mặt bằng cho nhà nước. Những người tố cáo và cả người không tố cáo (là chúng tôi)lại phải chịu trách nhiệm hình sự, tù đày còn những kẻ chiếm đất thoát tội. Đây là một việc làm hết sức không bình thường và vô cùng oan sai của các cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm, xâm phạm trực tiếp đến quyền lợi chính đáng và hợp pháp của chúng tôi.
12.              Về việc thụ lý “Đơn tố cáo” của 13 người dân Phú Mỹ: Theo quy định tại Luật khiếu nại, tố cáo thì cơ quan cảnh sát điều tra không phải là cơ quan có chức năng giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của người tố cáo, mà khi nhận được đơn tố cáo của người tố cáo, nếu xét thấy không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì cơ quan điều tra phải chuyển Đơn thư khiếu nại, tố cáo đến các cơ quan có chức năng giải quyết theo trình tự Luật khiếu nại, tố cáo đã quy định. Người tố cáo không phải xuất trình chứng cứ cho việc mình tố cáo mà  ngược lại, người bị tố cáo (ông Lê Xuân Trường) phải có nghĩa vụ giải trình về nội dung mà mình bị tố cáo. Việc các cơ quan chức năng tại huyện Từ Liêm ngay khi nhận được đơn tố cáo đã “đưa ngay” cho ông Lê Xuân Trường (là người bị tố cáo) đọc như trong “Đơn yêu cầu khởi tố vụ án hình sự” của ông Trương nêu là hoàn toàn trái với các quy định của Luật khiếu nại, tố cáo về việc giữ bí mật, danh tính cho người tố cáo. Vấn đề này, các Luật sư bào chữa cho chúng tôi tại phiên Tòa sơ thẩm đề nghị làm rõ nhưng vẫn không được Hội đồng xét xử xem xét.
13.              Về việc thay đổi căn cứ khởi tố vụ án:
-                     Tại phần tuyên án ngày 21/11/2011, Tòa án Cấp sơ thẩm đã đột ngột thay đổi căn cứ để CQCSĐT Công an huyện Từ Liêm khởi tố vụ án nêu trên là các Điều 103 BLTTHS quy định về “Nhiệm vụ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố”, Điều 126 BLTTHS quy định về “Khởi tố bị can” và Điều 154 BLTTHS quy định về “Biên bản khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, xem xét dấu vết trên thânn thể và thực nghiệm điều tra”.
-                     Trong khi Điều 122 Bộ Luật Hình sự là một tội danh được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại (Điều 105 Bộ Luật tố tụng hình sự). Việc Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm tự vận dụng căn cứ khởi tố vụ án như Bản án sơ thẩm đã tuyên là hoàn toàn trái với quy định của pháp luật. Mặt khác, nếu coi “Đơn tố cáo” của 13 người dân Phú Mỹ là một nguồn tin tố giác tội phạm thì CQCSĐT Công an huyện Từ Liêm phải tiến hành khởi tố vụ án hình sự đối với người bị tố cáo ngay khi nhận được đơn tố cáo của 13 người dân Phú Mỹ.
-                     Hầu hết các Luật sư bào chữa trong vụ án này đều đặt dấu hỏi nghi vấn về việc thay đổi này của Hội đồng xét xử sơ thẩm là nhằm hợp pháp hóa việc khởi tố, bắt giam trái pháp luật của CQCSĐT và truy tố cấp sơ thẩm, vì dù coi “Đơn tố cáo” là “Đơn tố giác” thì việc khởi tố như vậy cũng là khởi tố ngược vì “Đơn tố giác” của 13 người dân đến trước và có căn cứ là đất công bị chiếm, thứ tự điều tra xác minh tội phạm phải tuân theo thứ tự trước sau, tại sao ông Trường không bị điều tra, khai báo về nội dung mình bị tố cáo, còn 13 người dân có công và những người không liên quan thì bị tù đầy, khởi tố, buộc tội? Trước pháp luật ông Trường là một công dân, tại sao lại ưu tiên để công dân là Bí thư huyện ủy chen trước 13 người dân tố cáo? Ông Trường có đặc quyền tự nhận mình là người liêm khiết nên không phải trải qua quy trình điều tra của Cơ quan công an không? Tại sao ông Trường, với cương vị của mình không chỉ đạo CQCSĐ xác minh làm rõ những kẻ chiếm đất của Nhà nước để minh oan cho bản thân mình? Vụ án có được xét xử khách quan không khi ông Trường vẫn đang là người lãnh đạo Đảng cao nhất ở Huyện Từ Liêm? Có hay không việc 4 cơ quan đã tiết lộ thông tin về người tố cáo? …?
-                     Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm còn áp dụng điểm d, khoản 2 Điều 122 BLHS coi ông Trường là “Người thi hành công vụ” trong khi không đưa ra bất kỳ một căn cứ pháp luật nào để xác định ông Trường là “người thi hành công vụ”. Bản án còn phân tích và cho rằng chúng chúng tôi biết ông Trường là Bí thư huyện ủy và vì Bí thư là người giữ nhiều trọng trách, chức vụ cao nhất của huyện Từ Liêm nên ông Trường là “Người thi hành công vụ”. Thực chất, chức danh: “Bí thư huyện ủy” là chức danh được phân công lãnh đạo những Đảng viên trực thuộc huyện ủy, bản thân huyện ủy không phải là cơ quan quản lý nhà nước, không liên quan gì đến việc “thi hành công vụ” như cáo trạng của VKS và Hội động xét xử TAND huyện Từ Liêm nêu, đây cũng là dấu hiệu cố ý làm tăng hình phạt trái các quy định pháp luật.

Với hàng loạt các vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong suốt quá trình điều tra, truy tố và xét xử cấp sơ thẩm, với việc các cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm không đưa ra bất cứ chứng cứ, tài liệu, quy định của Điều Luật nào để chứng minh chúng tôi phạm tội “vu khống” nhưng án sơ thẩm vẫn tuyên chúng tôi phạm tội “vu khống” là ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của chúng tôi. Bản án sơ thẩm hoàn toàn khiên cưỡng, thiếu khách quan và trái pháp luật, việc quyết định tại Bản án hoàn toàn không dựa trên kết quả tranh luận, đối đáp công khai giữa các Luật sư bào chữa, bị cáo và đại diện VKS.

Hàng loạt  các vi phạm nghiêm trọng trong điều tra, truy tố cấp sơ thẩm được các Luật sư đưa ra không được đại diện VKS huyện Từ Liêm tranh luận, làm rõ, thậm chí có nhiều tài liệu trong hồ sơ vụ án,  nhiều tình tiết mà chính đại diện VKS huyện Từ Liêm đã buộc phải thừa nhận tại phiên Tòa là không có trong hồ sơ và do sai sót như việc đại diện VKS huyện Từ Liêm thừa nhận không có ủy quyền của  ông Trường cho ông Tân, không biết hồ sơ vụ án có tổng số bao nhiêu bút lục khi giao hồ sơ cho Tòa án Nhân dân huyện Từ Liêm, có một số người không được phân công tiến hành tham gia tố tụng những đã trực tiếp khám, bắt, tham gia lấy lời khai, ký tên vào văn bản tố tụng, việc khám Văn phòng công chứng và Văn phòng luật sư, …là có sai sót.

Mặt khác tại phiên Tòa sơ thẩm, toàn bộ lời khai của rất nhiều người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong hồ sơ vụ án đều khai hoàn toàn mâu thuẫn, thậm chí là tình tiết mới, khác hoàn toàn với các lời khai của chính họ có trong hồ sơ vụ án như lời khai của anh Nguyễn Thành Đạt, anh Nguyễn Văn Khiết, chị Nguyễn Thị Mai Loan, anh Nguyễn Việt Dũng, nhưng đều không được Hội đồng xét xử xem xét. Lý do mà Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm đưa ra là các bị cáo và những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án không đưa ra được những chứng cứ nào để chứng minh cho mình tại phiên Tòa, trong khi pháp luật quy định việc chứng minh tội phạm và làm rõ các vấn đề trong một vụ án hình sự là trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng. Việc người tham gia tố tụng phải tự mình đưa ra chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình chỉ xuất hiện trong vụ án Dân sự theo quy định tại Bộ Luật Tố tụng dân sự chứ không phải trong vụ án Hình sự. 

Với hàng loạt những tình tiết chưa được làm rõ tại phiên Tòa, với hàng loạt những vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng như vậy, với trên 10 Luật sư bào chữa đều cùng đồng thuận quan điểm đề nghị Hội đồng xét xử sơ thẩm trả hồ sơ cho cơ quan điều tra để điều tra làm rõ hoặc tuyên các bị cáo không phạm tội nhưng đều không được Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm chấp nhận.

Hiện nay, Đảng và Nhà nước đang khuyến khích, biểu dương mọi công dân mạnh dạn tố cáo với mục đích phòng chống tham nhũng, Quốc hội đang họp và xem xét cơ chế bảo vệ người tố cáo tránh bị trả thù. Tuy nhiên, trong vụ án này, chính những người dân tố cáo và chúng tôi đang có dấu hiệu bị trả thù.

Bản án sơ thẩm của TAND huyện Từ Liêm đã tuyên chúng tôi phạm tội “Vu khống” và tuyên mức hình phạt 15 tháng tù giam và 12 tháng tù giam đối với chúng tôi là hoàn toàn oan, sai, trái pháp luật. Từ những phân tích và viện dẫn trên đây, chúng tôi làm đơn này kính đề nghị quý Ông, quý cơ quan xem xét lại toàn bộ quá trình tố tụng và Bản án sơ thẩm nêu trên của TAND huyện Từ Liêm, nhằm giải oan cho chúng tôi vì chúng tôi không phạm tội “vu khống” như bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Từ Liêm, Hà Nội ngày 21/11/2011 đã tuyên đối với chúng tôi.

Chúng tôi xin chân thành cảm ơn!

                                                                                   NHỮNG NGƯỜI LÀM ĐƠN                                     
                                                                                                                            

                       Ngô Quang Anh                                      Hoàng Đình Trọng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét